Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các đại biểu thực hiện nghi thức chuyển đổi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia - Petrovietnam. (Nguồn: VGP News) |
Doanh thu cán mốc 1 triệu tỷ đồng trong bối cảnh giá dầu giảm
Xác định năm 2024 là năm then chốt, cần thiết phải tăng tốc và bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, ngay từ đầu Petrovietnam đề ra phương châm hành động “Quản trị biến động, Bổ sung động lực mới, Làm mới động lực cũ, Tạo nguồn năng lượng mới, Vươn tới đỉnh cao mới”.
Petrovietnam đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu trọng yếu trên tất cả các lĩnh vực hoạt động như sản xuất xăng dầu, sản xuất điện, sản xuất phân bón, với mức tăng trưởng cao; công tác đảm bảo an ninh, an toàn sản xuất tại tất cả các đơn vị/công trình/nhà máy/giàn khoan đều thông suốt. Đặc biệt, chỉ tiêu khai thác dầu thô trong nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2024 trước 2 tháng 3 ngày.
So với năm 2023, Petrovietnam có 4 chỉ tiêu sản xuất trọng yếu tăng trưởng gồm: sản xuất urea, sản xuất điện, sản xuất xăng dầu và sản xuất NPK. Bên cạnh đó, tất cả các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức từ 34% đến đến 3,4 lần kế hoạch năm, về đích trước từ 3-7 tháng và tăng trưởng cao so với năm 2023.
Kết thúc năm 2024 đánh dấu việc ba năm liên tiếp Petrovietnam phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn Tập đoàn khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước Covid-19 và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 165.000 tỷ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước Covid-19 trong bối cảnh tác động bởi chính sách giảm thuế với sản phẩm xăng dầu của Petrovietnam.
Lần đầu tiên Petrovietnam đạt kỷ lục toàn diện về các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng rất cao so với thời kỳ trước Covid-19 bao gồm: doanh thu hợp nhất đạt 601.000 tỷ đồng, tăng 51%; doanh thu công ty mẹ-Tập đoàn đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 237%; lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ-Petrovietnam đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận hợp nhất của Petrovietnam tiếp tục duy trì đạt trên 2,3 tỷ USD/năm.
Với kết quả này, Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ sau 4 năm 2021-2025.
Các dự án trọng điểm của Petrovietnam khó khăn kéo dài sau khi được Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả như Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, một số dự án trọng điểm như Chuỗi dự án Lô B-Ô Môn, dự án điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4… được triển khai gấp rút theo kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ về Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam đã tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng điện gió ngoài khơi, tham gia chuỗi năng lượng toàn cầu mở ra không gian phát triển mới phù hợp với quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, những giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa dầu khí "Khát vọng-Trí tuệ-Chuyên nghiệp-Nghĩa tình" được Petrovietnam triển khai trên khắp cả nước thông qua các dự án về giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng với tổng giá trị thực hiện gần 620 tỷ đồng, trong đó có tài trợ tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng, Lào Cai do bị ảnh hưởng của bão Yagi và tham gia chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước.
Petrovietnam xác định chủ đề phát triển trong năm 2025 là: “Petrovietnam-Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia: Đổi mới từ cốt lõi-Phát triển mô hình vượt trội-Hội nhập chuỗi toàn cầu-Nâng tầm tri thức năng lượng-Bứt phá trong tăng trưởng-Tạo bước chuyển xanh bền vững.”
Phát biểu trong lần thứ 4 liên tiếp dự hội nghị tổng kết năm của Petrovietnam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thay vì những băn khoăn, trăn trở trước đây, trong lần dự hội nghị lần này, ngọn lửa trong logo của Petrovietnam chuyển từ màu đỏ sang màu xanh, Thủ tưởng cảm nhận đầy đủ niềm tin, hy vọng từ sự phát triển vượt bậc của Tập đoàn với sự đóng góp của Tập đoàn vào “5 an”: an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh chủ quyền biển đảo, an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương những thành tựu, kết quả nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhất là trong sản xuất, kinh doanh, xử lý các tồn đọng; công tác an sinh xã hội; tính tiên phong trong thực hiện các chương trình lớn của Đảng và Nhà nước; công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp; bổ sung động lực mới trong lĩnh vực năng lượng mới; công tác chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả hiệu suất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Thủ tướng nhấn mạnh kết quả hoạt động của Tập đoàn trong năm 2024 và xuyên suốt 63 năm qua đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và chủ quyền biển đảo của đất nước.
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Chỉ rõ các bài học kinh nghiệm được rút ra từ các hoạt động thực tiễn và kết quả đạt được trong những năm qua, nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm; nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, phản ứng kịp thời, hiệu quả; sự đoàn kết, cầu thị, lắng nghe, vượt qua chính mình…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí không được chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn, thần tốc hơn, táo bạo hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đoanh nghiệp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: VGP News) |
Nêu các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và đến năm 2045, cũng như các đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2025 là năm về đích của nhiệm kỳ, kinh tế Việt Nam phải bứt phá mạnh mẽ và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước 5 năm 2021-2025.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ yêu cầu sự cố gắng nỗ lực và đóng góp tích cực của các Tập đoàn kinh tế nhà nước, nhất là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục rà soát kỹ từng chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra trong năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số ở mức cao nhất.
Thống nhất với mục tiêu, phương hướng và giải pháp hội nghị đã thống nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn ngành dầu khí tập trung thực hiện 3 mục tiêu chủ yếu. Trong đó, năm 2025, Tập đoàn Dầu khí phải vượt qua chính mình, tăng tốc, bứt phá hơn nữa với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15-20% mỗi năm; góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước đạt tốc độ cao hơn, đạt khoảng 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo.
Tập đoàn phải đổi mới quản trị theo hướng thông minh; chú trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định về an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường của tất cả các công trình dầu khí; có kế hoạch, giải pháp đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, thương mại và tài chính nhằm vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả các công trình, dự án, mỏ, nhà máy, xí nghiệp dầu khí, góp phần chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là về cung ứng xăng dầu, khí, điện, phân bón.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Tập đoàn phải xây dựng chiến lược phát triển và Đề án cơ cấu lại Petrovietnam theo mô hình tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tiếp tục giữ vững thị phần lĩnh vực dầu khí truyền thống với chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở rộng lĩnh vực hoạt động thông qua tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hạ tầng ngành dầu khí theo hướng đồng bộ, thông minh, Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn phải làm bằng được càng sớm càng tốt việc chuyển giao, làm chủ toàn bộ công nghệ điện gió ngoài khơi, gồm cả sản xuất turbin, cánh quạt gió, chân đế…, đồng thời đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, Tập đoàn tổ chức thực hiện thật hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn phấn đấu trở thành Tập đoàn năng lượng hàng đầu khu vực, tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể;” đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, với hạt nhân là xây dựng cơ sở dữ liệu.
Yêu cầu Petrovietnam tái cấu trúc Tập đoàn phù hợp với chiến lược phát triển thời kỳ mới, Thủ tướng chỉ rõ phải tái cấu trúc về quản trị, tái cấu trúc đầu vào; tái cấu trúc tài chính, đầu tư, sản xuất kinh doanh, thị trường; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp…, với phương châm “tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào, dứt việc đó; với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn.”
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí được rèn giũa trong thời gian qua; những người đi tìm lửa và truyền lửa-tiếp tục đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, ngọn lửa của niềm tin trong khát vọng tìm kiếm các động lực mới của ngành; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong năm 2025, đạt nhiều thành tích, kỷ lục mới, giữ vững vai trò là Tập đoàn kinh tế nhà nước trụ cột, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân; cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng, văn minh của dân tộc.