Thủ tướng Phạm Minh chính tiếp Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Amal Abdel Kader Elmorsi. (Nguồn: TTXVN) |
Tiếp Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Amal Abdel Kader Elmorsi Salama, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và chúc mừng những thành tựu mà Ai Cập đã đạt được trong việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, cũng như ứng phó với đại dịch Covid-19.
Việt Nam đánh giá cao vai trò, vị thế quan trọng của Ai Cập tại châu Phi và trên thế giới, nhất là tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), phong trào Không liên kết…
Thủ tướng vui mừng trước bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương Việt Nam-Ai Cập thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại, giáo dục. Hai nước tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, quan hệ hợp tác tốt đẹp tiếp tục được thúc đẩy, thể hiện qua điện đàm cấp Bộ trưởng Ngoại giao; kim ngạch trao đổi thương mại tăng từ 491 triệu USD năm 2019 lên 515 triệu USD năm 2020.
Năm 2023, Việt Nam và Ai Cập sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, ý nghĩa.
Thủ tướng cũng khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và nhiều dư địa để phát triển. Trong giai đoạn phát triển mới, nhất là trong nhiệm kỳ của Đại sứ, Thủ tướng đề nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả thông qua các nhóm biện pháp cụ thể.
Trong đó, hai bên tiếp tục tích cực trao đổi đoàn, gặp gỡ tại các hội nghị quốc tế cũng như điện đàm; nâng cao vai trò và hiệu quả của các cơ chế hợp tác, nhất là Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Ai Cập; trước mắt thúc đẩy tổ chức Kỳ họp lần 6 của Ủy ban liên chính phủ song phương trong năm 2022 để rà soát tình hình hợp tác thời gian qua và thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác cho giai đoạn tới; sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 1 tỷ USD/năm…
Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường hợp tác và xây dựng cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, các quy định quản lý xuất nhập khẩu, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quản lý chất lượng hàng hóa... Hai bên cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm kiếm khả năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, hóa chất, dệt may, chế biến thực phẩm, nông sản...
Thủ tướng mong muốn Ai Cập duy trì cấp học bổng đào tạo tiếng Arab cho sinh viên Việt Nam, xem xét cấp học bổng đào tạo cán bộ, chuyên gia về tiêu chuẩn Halal cho Việt Nam, hỗ trợ phát triển Vovinam và Võ cổ truyền Việt Nam tại châu Phi; tăng cường quảng bá, trao đổi, xúc tiến du lịch giữa hai nước…
Thủ tướng đề nghị hai bên tích cực phối hợp triển khai các Hiệp định, Thỏa thuận đã ký kết; đàm phán ký mới các Hiệp định, Thỏa thuận trong các lĩnh vực quan trọng khác và ký lại các Hiệp định không còn phù hợp với tình hình mới.
Về tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng đề nghị hai nước ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương; đề nghị Ai Cập ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về Biển Đông, giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trong giai đoạn phát triển mới, nhất là trong nhiệm kỳ của Đại sứ, Thủ tướng đề nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả thông qua các nhóm biện pháp cụ thể.(Nguồn: TTXVN) |
Cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian tiếp, Đại sứ Ai Cập Amal Salama bày tỏ ấn tượng sâu sắc với những thành tích của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sớm mở cửa trở lại, thể hiện chính sách đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ Việt Nam.
Đồng ý với các ý kiến của Thủ tướng, Đại sứ Amal Salama khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới, trong đó có việc thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương; gia tăng kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn.
Bà Amal Salama mong muốn, với vai trò của mình trong Liên hợp quốc và ASEAN, Việt Nam sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác trong khu vực và trên thế giới, đồng thời cho biết, Ai Cập sẽ đăng cai tổ chức COP 27, mong đón Thủ tướng tới dự Hội nghị để đóng góp cho công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav. (Nguồn: TTXVN) |
Tiếp Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ông Jigjee Sereejav được Nhà nước Mông Cổ cử làm Đại sứ tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng trong nhiệm kỳ tại Việt Nam, với kinh nghiệm, nhiệt huyết, Đại sứ sẽ là cầu nối thúc đẩy giao lưu nhân dân và có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước ngày càng thực chất, hiệu quả; đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam-Mông Cổ có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đạt được nhiều thành tựu trong 68 năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình thế giới và khu vực, quan hệ hai nước tiếp tục được duy trì đà phát triển, nhất là trong lĩnh vực chính trị, an ninh và quốc phòng.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.
Thủ tướng đánh giá cao Đại sứ mới sang nhận nhiệm vụ nhưng rất tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, trong đó có việc mở đường bay thẳng kết nối Việt Nam với Mông Cổ, góp phần quan trọng vào việc tăng cường giao lưu nhân dân, cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tất cả vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển trên thế giới; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nhờ đó, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như hiện nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Thủ tướng đề nghị Đại sứ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam để thúc đẩy phát triển thực chất quan hệ song phương. Theo đó, hai bên tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức linh hoạt, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Việt Nam luôn sẵn sàng đón các nhà lãnh đạo Mông Cổ thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng phát triển thực chất, hiệu quả, nhất là sau khi hai bên ký kết Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và Hiệp định về cùng bảo vệ, trao đổi thông tin; hợp tác triển khai hiệu quả các cơ chế và thỏa thuận hợp tác song phương.
Trước mắt, hai bên hợp tác chặt chẽ tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Mông Cổ dự kiến tổ chức tại Mông Cổ tháng 8/2022.
Thủ tướng cho rằng, tiềm năng, dư địa hợp tác thương mại, đầu tư còn rất lớn; do đó cần có cơ chế để các hoạt động thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Hai bên tiếp tục tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó mở rộng cơ chế xuất khẩu hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam; tổ chức một số hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hình thức linh hoạt... để nâng kim ngạch thương mại song phương lên trong thời gian tới; tổ chức, khơi thông các tuyến giao thông, trong đó có các đường bay giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Mông Cổ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm ăn ổn định tại Mông Cổ; tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. (Nguồn: TTXVN) |
Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Mông Cổ Jigjee Sereejav chúc mừng những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.
Đại sứ Jigjee Sereejav cho rằng, thành công của Việt Nam cũng là bài học kinh nghiệm quý báu cho Mông Cổ, nhất là quan điểm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tất cả vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển trên thế giới; phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động hội nhập quốc tế tích cực, hiệu quả.
Đại sứ Jigjee Sereejav nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính; cho rằng sau gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng; mong muốn trong nhiệm kỳ công tác của mình tại Việt Nam, Đại sứ sẽ nỗ lực để nâng quan hệ Mông Cổ-Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược.
Trước mắt, thúc đẩy các hoạt động thương mại hai chiều; giáo dục truyền thống để các thế hệ trẻ hiểu và tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ Jigjee Sereejav chuyển lời mời của Thủ tướng Mông Cổ mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Mông Cổ; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vui vẻ nhận lời và đề nghị thu xếp theo đường ngoại giao.