Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Jim Yong Kim, cựu Chủ tịch WB, Phó Chủ tịch Quỹ GIP. (Nguồn: TTXVN) |
Chiều 17/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Jim Yong Kim, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Phó Chủ tịch Quỹ Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP).
Hoan nghênh Tiến sĩ Jim Yong Kim trở lại thăm Việt Nam trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và trân trọng cảm ơn đóng góp của ông Jim Yong Kim trong thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa WB và Việt Nam, nhất là hỗ trợ nguồn lực tài chính và tư vấn nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong trên cương vị mới, ông Jim Yong Kim sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế, thúc đẩy các dự án đầu tư chất lượng cao, nhất là kinh nghiệm trong tiếp cận, khai thác các nguồn vốn với các quỹ như Quỹ GIP.
Thủ tướng cho biết, sau nhiều thập niên kháng chiến cứu quốc, khi giành lại độc lập, tự do, Việt Nam lại chịu sự bao vây, cấm vận trong nhiều năm.
Từ năm 1986 Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, đến nay đạt được thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2022, GDP tăng hơn 8%, cao hàng đầu khu vực. Quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, đứng thứ 4 trong ASEAN. Kim ngạch thương mại vượt 700 tỷ USD, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện nhiều bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế trong thời gian qua. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và trong trung hạn.
Quan điểm phát triển của Việt Nam là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng. Để thực hiện 3 đột phá chiến lược trên, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng.
Phó Chủ tịch Quỹ GIP bày tỏ ngưỡng mộ kết quả phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian ngắn; cho biết đây là động lực, truyền cảm hứng cho cá nhân ông và các cộng sự mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam; cho biết, Quỹ GIP chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, kỹ thuật số và nước/chất thải, tại Việt Nam, Quỹ GIP quan tâm đầu tư trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ số; sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam.
Ông Jim Yong Kim mong muốn Chính phủ ủng hộ, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam trong kết nối với GIP để xây dựng một chiến lược đầu tư, hợp với với Việt Nam và xem xét những dự án hợp tác cụ thể.
Thủ tướng hoan nghênh những quan tâm của Quỹ GIP về đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược tại Việt Nam, nhất là hạ tầng giao thông, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, thực hiện thỏa thuận giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Với lòng tin chính trị, thực lòng, chân thành, tin cậy, Thủ tướng đề nghị Ngài Jim Yong Kim và các cộng sự tư vấn và có chế đặc biệt cho Việt Nam để tiếp cận nhanh, hiệu quả các nguồn vốn, trên tin thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong đổi mới mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực để tăng hiệu quả đầu tư FDI, mong muốn Quỹ GIP chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị cho Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẵn sàng chào đón và tạo thuận lợi cho Quỹ GIP hợp tác kinh doanh và thành công tại Việt Nam; Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam trực tiếp tiếp tục tích cực trao đổi, cụ thể hóa các nội dung hợp tác với Quỹ trên cơ sở hiệu quả, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, khả năng của hai bên, hướng dẫn việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể, đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.