Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc là dự án lớn, với tổng vốn đầu tư lên đến 450 triệu USD. Dự án được triển khai từ nguồn ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, trong đó, nguồn vốn ODA của Nhật Bản khoảng 400 triệu USD. Đây là dự án hết sức quan trọng, là điều kiện để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. “Năm 2018, khi dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới, điều kiện mới để phát triển vượt bậc so với trước đây, hướng tới hình thành một thành phố khoa học tầm cỡ quốc gia, làm cầu nối tiếp nhận, chuyển giao và sáng tạo công nghệ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành hữu quan, thành phố Hà Nội, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan... đã nỗ lực hết mình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc được khởi công. Thủ tướng cũng cảm ơn những người dân đã nhường đất cho dự án, cũng như cảm ơn Chính phủ Nhật Bản - nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam - đã tài trợ vốn cho dự án này. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục có sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả dành cho Việt Nam nói chung và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng.
Thủ tướng nêu rõ: “Tôi tin rằng, hợp tác phát triển thành công Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là một minh chứng sinh động cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược gắn bó, tin cậy và hiệu quả giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục cùng với Nhật Bản đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh gay gắt thì để phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định, khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo - nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là quốc sách hàng đầu, là một trong những đột phá chiến lược để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với nhận thức đó, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được quyết định thành lập từ năm 1998. Bằng sự nỗ lực chung, đến nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đạt được những kết quả nhất định. Đã có gần 70 dự án được cấp phép đầu tư vốn tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 60 nghìn tỷ đồng và hiện có khoảng 10.000 người đang làm việc và học tập tại đây. Năm 2014, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 130 triệu USD…
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc hết sức nỗ lực, tập trung chỉ đạo thực hiện thành công Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng; Đặc biệt, không để xảy ra bất cứ sai sót, tiêu cực nào trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, từ thực tiễn triển khai và hoạt động nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần đề xuất với Đảng và Nhà nước các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để thu hút mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư khoa học công nghệ cao vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc. “Các dự án thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hoà Lạc phải thực sự là những dự án khoa học công nghệ cao, không đưa những dự án không đúng với mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí đã được đề ra” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đối với 300ha còn lại của dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Theo quy hoạch, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích gần 1.600ha, thuộc địa bàn hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai (Hà Nội) với các khu chức năng: Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu - Triển khai, Phần mềm, Công nghiệp Công nghệ cao và các dịch vụ tiện ích khác. |