Hàng chục triệu người Hàn Quốc sống cách biên giới với Triều Tiên chưa đầy 100km, nhưng tin tức về căng thẳng trên bán đảo dường như không ảnh hưởng gì tới cuộc sống vốn bận rộn của họ.
Thành phố 10 triệu dân Seoul không tỏ chút gì biến động hay căng thẳng trong những ngày Triều Tiên liên tục đe dọa thử nghiệm hạt nhân, tên lửa và chiến tranh có nguy cơ lại nổ ra trên Bán đảo liên Triều. Các nhà hàng vẫn đông đúc trong khi phố xá chật kín người vào những giờ cao điểm. Trong ảnh, người quảng cáo dịch vụ massage chân tại quận mua sắm Myeongdong của Seoul. (Nguồn: Reuters)
25 triệu người Hàn Quốc, bao gồm các cư dân Seoul, sống trong phạm vi chỉ 80 km kể từ biên giới Triều Tiên. Với cuộc chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa kết thúc về mặt lý thuyết, hầu hết người Hàn ý thức rõ họ mong manh như thế nào trước một cuộc tấn công từ Bình Nhưỡng. Dù vậy, tình trạng này đã kéo dài nhiều thập niên qua và nhiều người Hàn Quốc "quá bận rộn để còn thời gian quan tâm" những căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây. Trong ảnh, người phụ nữ đứng trước trung tâm mua sắm đang quảng cáo về đợt giảm giá. (Nguồn: Reuters)
Những cư dân tại một đô thị đông đúc như Seoul có nhiều nỗi lo khác như nhà ở, việc làm, các mối quan hệ xã hội. Trong ảnh, người xin việc xem các bản tin tuyển dụng tại một hội chợ việc làm ở Seoul hồi tháng 4. (Nguồn: Reuters)
Chun Ho-pil, một giám đốc xây dựng 30 tuổi, nói rằng anh không trữ nước uống hay thức ăn đóng hộp ở nhà, cũng không biết địa điểm trú ẩn gần nhất để tìm đến trong trường hợp bị đánh bom. "Tôi quá bận để quan tâm đến chuyện này", Chun nói. (Nguồn: New York Times)
Theo AP, vào ngày 16/4, sau lần thử tên lửa gần nhất của Triều Tiên, sự quan tâm của công chúng Hàn Quốc đột ngột tăng cao nhưng chỉ kéo dài trong vài giờ. Sau đó, các vấn đề như chương trình truyền hình, thuế hay bất động sản tiếp tục thống trị top từ khóa tìm kiếm. Tin tức được quan tâm nhất là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới, cựu Tổng thống Park Geun-hye bị truy tố và kế hoạch đám cưới của một ca sĩ nổi tiếng. (Nguồn: Reuters)
Vào ngày 9/5 tới, người Hàn Quốc sẽ đi bỏ phiếu để chọn tổng thống mới. Người đang có nhiều triển vọng trở thành tổng thống mới là Moon Jae-in, ông hứa hẹn sẽ tiếp cận vấn đề Triều Tiên một cách ôn hòa hơn. Dù vậy, theo khảo sát của báo Dong-a Ilbo, 45% người được hỏi nói rằng họ quan tâm nhất đến chính sách cải cách kinh tế của các ứng viên trong khi chỉ có 9% nói rằng vấn đề Triều Tiên nên là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tổng thống mới. (Nguồn: Reuters)
Học sinh được hướng dẫn sử dụng mặt nạ phòng độc trong một buổi huấn luyện diễn ra bên cạnh Bảo tàng Chiến tranh Hàn Quốc ở Seoul. (Nguồn: New York Times)
Các học sinh Hàn Quốc thường được viếng thăm bảo tàng này. Trong thời điểm căng thẳng liên Triều gia tăng, một số giáo viên cảm thấy họ có trách nhiệm chuẩn bị cho các học sinh của họ trước những nguy cơ. (Nguồn: New York Times)
Dù vậy, phần lớn người Hàn Quốc nói về nguy cơ chiến tranh với sự thờ ơ. Tại Munsan, một thành phố 50.000 dân nằm cách khu phi quân sự ở biên giới chỉ 8km, Gwon Hyuck-chae, một thợ cắt tóc 72 tuổi, nói rằng ông không nghĩ xung đột sẽ nổ ra. "Tôi đã sống ở đây quá lâu, tôi không sợ nữa. Nếu chiến tranh lại nổ ra, chúng tôi cũng chẳng có thời gian di tản", ông nói. (Nguồn: New York Times)
Chính vì vậy, bất chấp sự căng thẳng thấy được trên mặt báo hoặc tivi, nhiều người Hàn Quốc tiếp tục dửng dưng với tin tức chiến tranh và bận rộn lo lắng cho cuộc đời của riêng họ. (Nguồn: New York Times)