📞

Thủ tướng Thái Lan vượt qua 'phép thử cuối cùng', bác bỏ khả năng cải tổ Nội các

Chu Văn 11:49 | 23/07/2022
Ngày 23/7, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cùng 10 thành viên khác trong Nội các đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. (Nguồn: Reuters)

Kết quả kiểm phiếu cho thấy, Thủ tướng Prayuth đã nhận được 256 phiếu ủng hộ, 206 phiếu phản đối và 9 phiếu trắng, qua đó giành được sự ủng hộ cần thiết để tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu chính phủ cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 3/2023.

Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon nhận được số phiếu tín nhiệm cao nhất (268 phiếu), trong khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit nhận được số phiếu tín nhiệm thấp nhất (241 phiếu).

Cuộc bỏ phiếu được cho là phép thử cuối cùng đối với chính quyền của Thủ tướng Prayuth trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong chưa đầy một năm tới.

Trước đó, ông Prayut đã vượt qua 3 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2019.

Trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này diễn ra, Thủ tướng Prayuth đã bác bỏ tin đồn về khả năng cải tổ Nội các.

Theo truyền thông sở tại, khi được hỏi về tin rằng, đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân (PPRP) lãnh đạo liên minh cầm quyền và đảng Dân chủ đang thúc ép cải tổ Nội các, Đại tướng Prayut cho biết, ông sẽ có tiếng nói cuối cùng về vấn đề này. Ông Prayut nói: "Không có cuộc cải tổ nào cả. Tôi vẫn chưa nghĩ về điều đó".

Các học giả cũng cho rằng sẽ không có cuộc cải tổ Nội các nào sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Wanwichit Boonprong, giảng viên chính trị học tại Đại học Rangsit, cho rằng chính phủ dự kiến sẽ tồn tại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sau 1 vòng vận động hành lang.

Ông Wanwichit cũng nói rằng, các đảng nhỏ không có đủ ảnh hưởng để thúc đẩy 1 cuộc cải tổ Nội các, mặc dù sự rạn nứt nội bộ trong đảng Dân chủ hiện đang trở thành yếu tố có thể buộc phải cải tổ. Tuy nhiên, Đại tướng Prayut không muốn cải tổ Nội các vì nhiệm kỳ của Chính phủ sẽ kết thúc vào năm tới.

Yutthaporn Isarachai, nhà chính trị học của trường Đại học Mở Sukhothai Thammathirat, cũng nhất trí, cuộc tranh luận bất tín nhiệm sẽ không có tác động đến chính phủ liên minh vì một số thông tin do phe đối lập đưa ra trong Quốc hội đã không đủ sức nặng. Ông Yutthaporn cũng cho rằng, một cuộc cải tổ Nội các khó có thể xảy ra vì chính phủ sắp kết thúc nhiệm kỳ, trong khi vẫn còn phải xem liệu xung đột giữa các đảng viên đảng Dân chủ có gây ra hiệu ứng dây chuyền đối với chính phủ hay không.

Trước đó, ngày 19/7, ông Prayut đã bác bỏ các cáo buộc tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém trong ngày đầu tiên Hạ viện nước này tiến hành phiên điều trần đối với Thủ tướng cùng 10 thành viên Nội các. Ông cho rằng, những cáo buộc của phe đối lập chỉ là một "kịch bản cũ", giống như các phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm trước đó.

Thủ tướng Prayut Chan-ocha tuyên bố chính phủ đã đưa ra định hướng tương lai của Thái Lan trong Chiến lược quốc gia 20 năm nhằm cải cách đất nước về mọi mặt, trong đó có cả việc tái cơ cấu kinh tế bằng cách đổi mới.

(theo TTXVN)