📞

Thủ tướng: Văn hóa doanh nghiệp là cầu nối hữu hiệu để hội nhập

09:59 | 08/11/2016
Tối 7/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát động cuộc vận động.

Buổi lễ, do Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức, có sự tham dự của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng. Buổi lễ còn có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan và đông đảo các đại biểu doanh nghiệp trong cả nước.

Theo Ban Tổ chức, việc xác lập "Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" (ngày 10/11) nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, góp phần tạo sức lan tỏa sâu, rộng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với quyết tâm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ phát động. (Ảnh: Mạnh Hà)

Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ kiến tạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân. Theo Thủ tướng, những nguyên tắc cơ bản, hay giá trị của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - nền tảng, sức sống của văn hóa doanh nghiệp bao gồm liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy hay trách nhiệm môi trường…

“Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh,” Thủ tướng nói.

Cho rằng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để hòa nhập, hội nhập khu vực và thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải khuyến khích áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức trong làm ăn kinh tế, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững.

Thủ tướng phân tích, khi nói đến văn hóa doanh nghiệp là bao gồm các hành vi ứng xử với khách hàng, cộng đồng, cách giao tiếp với đối tác, với xã hội. Văn hóa doanh nghiệp có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ 21.

Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Lễ phát động chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Mạnh Hà) 

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” với 5 nội dung xoay quanh các vấn đề: Nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về văn hóa doanh nghiệp; Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; Phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Làm lành mạnh môi trường kinh doanh và nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực.

Công cuộc mang tầm chiến lược và lâu dài

Tại lễ phát động, Chủ tịch Hiệp Hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn đã khẳng định trước Thủ tướng Chính phủ, rằng "Hiệp Hội sẽ nỗ lực hết sức mình cùng với cộng đồng doanh nhân đưa cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam thấm vào mạch máu, nhịp đập trái tim và đời sống của doanh nghiệp”.

Ông Hồ Anh Tuấn phát biểu: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp VIệt Nam là một công cuộc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, thời gian lâu dài và không kém phần cam go để xây dựng một môi trường kinh doanh thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”. 

Chia sẻ với TG&VN tại buổi lễ, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, kiêm Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Bắc Ninh Nguyễn Đình Thái cho biết, ông khá bất ngờ và xúc động khi chứng kiến sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng. "Tham dự buổi lễ, được chứng kiến không khí trang trọng, ấm áp và sự hiện diện của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành khiến doanh nghiệp chúng tôi càng ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp" - ông Nguyễn Đình Thái bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Đình Thái, doanh nghiệp một mặt phát triển kinh tế nhưng mặt khác phải phát triển văn hóa kinh doanh. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang phát triển ồ ạt nhưng ngược lại, văn hóa kinh doanh lại chưa văn minh, cạnh tranh chưa lành mạnh. Vì vậy, việc phát động văn hóa doanh nghiệp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển đồng đều hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội tốt hơn.

"Ngay sau buổi lễ ngày hôm nay, trong tháng 11, chúng tôi sẽ triển khai chương trình phát động phong trào thi đua Văn hóa doanh nghiệp trong CLB Bất động sản Hà Nội - với hơn 1.000 thành viên, để lan tỏa tinh thần của sự kiện này" - ông Nguyễn Đình Thái khắng định.

Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp Hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hà)

Đồng quan điểm này với Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist chia sẻ với TG&VN: "Chúng tôi không chỉ xem văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của thương hiệu, mà còn là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Văn hóa của công ty chúng tôi được thể hiện trong nhiều lĩnh vực hữu hình và vô hình, ở giá trị cạnh tranh mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhân viên và gắn kết với cộng đồng, xã hội và quốc gia".

Theo ông Trần Hùng Việt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là con đường liên tục, lâu dài và không ít khó khăn bởi nó vừa mang tầm chiến lược, vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp để phát triển vươn ra thế giới, góp phần phát triển kinh tế doanh nghiệp, quảng bá văn hóa của đất nước. "Sau buổi lễ này, Saigontourist sẽ tiến hành vận động 20.000 nhân viên trong Công ty hưởng ứng tích cực, nhằm tạo động lực trong công tác xây dựng và phát triển doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp" - ông Trần Hùng Việt cho biết.

Có thể nói, cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác chính trị - tư tưởng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và thu hút sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.