Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón các nhà lãnh đạo đến từ các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, tại Nhà Trắng, tháng 9/2022. (Nguồn: Reuters) |
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán cho rằng, Tổng thống Joe Biden có thể sẽ thực hiện chuyến thăm mang tính lịch sử tới khu vực Nam Thái Bình Dương vào cuối tháng 5 tới.
Bên cạnh đó, có tin ông Biden sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ tại Sydney với các Thủ tướng Anthony Albanese (Australia), Kishida Fumio (Nhật Bản) và Narendra Modi (Ấn Độ).
Trước đó, Mỹ đã mở lại Đại sứ quán ở Quần đảo Solomon và đang lên kế hoạch mở các cơ quan đại diện ngoại giao mới ở cả Tonga và Kiribati.
Ông Campbell đánh giá, nỗ lực củng cố và mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ trên khắp Nam Thái Bình Dương cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden muốn làm nhiều hơn nữa để giúp các quốc gia trong khu vực giải quyết một loạt thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, buôn lậu ma túy và đánh bắt cá trái phép.
Quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết tâm thực hiện những biện pháp cần thiết để đẩy mạnh sự can dự của Mỹ. Chúng tôi nhận ra rằng đã có những giai đoạn chúng tôi không can dự sâu (với khu vực) như lẽ ra phải thế”.
Bên cạnh đó, dù thừa nhận “mức độ cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương”, song, ông Campbell phủ nhận ý kiến cho rằng, chính sách tăng cường can dự của Mỹ xuất phát từ mong muốn đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.
Ông nêu rõ: “Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới. Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu. Vai trò của chúng tôi là giải quyết các nhu cầu cụ thể, cấp bách của người dân ở quần đảo Thái Bình Dương”.