Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương (hàng thứ nhất, thứ 2 từ trái sang) dẫn đầu đoàn công tác đi khảo sát thực địa vị trí đấu nối giao thông tại cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới tháng 4/2021. (Ảnh: Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế) |
Giữ vững trật tự đường biên
Thừa Thiên Huế là một trong 10 tỉnh có đường biên giới trên đất liền với Lào, quản lý 2 cửa khẩu chính và một lối mở biên giới.
Trong đó, cửa khẩu chính A Đớt-Tà Vàng thông thương với huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong/Lào; cửa khẩu chính Hồng Vân-Cô Tài thông thương với huyện Sá Muội, tỉnh Salavan/Lào; lối mở Hồng Thái, đây là lối mở truyền thống, hiện nay lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) kiểm soát các hoạt động qua lại biên giới.
Trong năm 2021, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực ngoại biên đối diện với tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản ổn định. Qua công tác nắm tình hình và trao đổi với lực lượng bảo vệ biên giới của bạn Lào, chưa phát hiện hoạt động xâm phạm chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Uỷ ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biên giới đất liền triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, mốc quốc giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Về công tác phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biên giới đất liền duy trì hoạt động của 36 tổ, chốt trên biên giới (19 chốt cố định và 17 chốt lưu động) với 279 người tham gia.
Công tác phòng chống tội phạm tại khu vực biên giới trong năm 2021 cũng luôn được đảm bảo. Các đồn biên phòng tuyến biên giới đất liền đã phát hiện 45 vụ nhập cảnh trái phép; vi phạm quy chế biên giới; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép,…
UBND tỉnh đã tổ chức Đoàn khảo sát thực địa để xem xét việc dịch chuyển vị trí đấu nối giao thông tại cặp cửa khẩu Hồng Vân-Cô Tài vào tháng 4 năm nay. Tham gia khảo sát có đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư lệnh Biên phòng, lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trong tỉnh.
Sau chuyến khảo sát, Bộ Ngoại giao đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số chủ trương quan trọng đối với cặp cửa khẩu Hồng Vân-Cô Tài liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo, thống nhất với đề xuất của Bộ Ngoại giao, đồng thời giao Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các bộ, ngành trung ương và tỉnh Salavan triển khai thực hiện.
UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Ngoại giao về việc cung cấp thông tin tập hợp phần quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó có đề xuất các nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch của cửa khẩu A Đớt, cửa khẩu Hồng Vân và lối mở Hồng Thái trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế Trần Công Phú (người đầu tiên hàng bên phải, tính từ trái), Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác biên giới tỉnh thăm và làm việc với các Đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền thuộc địa bàn tỉnh quản lý tháng 6/2021. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế) |
Nâng cấp cửa khẩu A Đớt, Hồng Vân
Do hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng tại khu vực các cửa khẩu chưa hoàn thiện; nhất là giao thông từ trung tâm các huyện Sá Muội, Kà Lừm (phía bạn Lào) đến các cửa khẩu còn khó khăn (đường đất mới thông tuyến kỹ thuật, vào mùa mưa dễ bị sạt lở, hư hỏng gây tắc nghẽn giao thông) nên tình hình hoạt động thương mại biên giới trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa phát triển.
Các hoạt động giao thương diễn ra không thường xuyên, lưu lượng người, phương tiện qua lại các cửa khẩu chủ yếu phục vụ cho việc làm đường giao thông và hoạt động thăm thân, mua bán thực phẩm sinh hoạt hằng ngày của cư dân biên giới.
Hàng xuất khẩu chủ yếu là điện năng, vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị tạm xuất tái nhập; hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ khai thác chế biến từ Lào, và máy móc thiết bị tái nhập sau khi đã hoàn thành dự án.
Liên quan đến công tác quy hoạch cửa khẩu, theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 7859/UBND-ĐN ngày 27/8 về việc cung cấp thông tin lập hợp phần quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, định hướng phát triển các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như sau:
Đối với cửa khẩu A Đớt, tỉnh hướng tới khắc phục, sửa chữa các hạng mục hư hỏng tại nhà kiểm soát liên hợp; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo công tác quản lý nhà nước tại cửa khẩu; tiếp tục thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1136/QĐ-TTg ngày 24/8/2012.
Đối với cửa khẩu Hồng Vân, UBND tỉnh đã tổ chức khảo sát thực địa để xem xét việc dịch chuyển vị trí đấu nối giao thông tại cặp cửa khẩu Hồng Vân-Cô Tài (Salavan) từ ngày 27-28/4.
Bộ Ngoại giao đã chính thức có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương dịch chuyển vị trí đấu nối giao thông tại cửa khẩu Hồng Vân-Cô Tài cùng các kiến nghị, đề xuất trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND tỉnh và các Bộ, ngành trung ương, trong đó có kiến nghị xem xét, nâng cấp cửa khẩu Hồng Vân thành cửa khẩu quốc tế với lộ trình phù hợp.
Đối với lối mở Hồng Thái, căn cứ quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Điều 21 Thông tư số 09 ngày 03/02/2016 của Bộ Quốc phòng Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ, UBND tỉnh đề xuất nâng cấp lối mở Hồng Thái thành cửa khẩu phụ.
Việc hình thành và phát triển hệ thống cửa khẩu đảm bảo cho việc thông thương, mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn. Bên cạnh đó, các khu kinh tế cửa khẩu hình thành sẽ thu hút dân cư đến làm ăn, sinh sống, tạo thành những khu tập trung dân cư, một số đô thị biên giới góp phần làm tăng thêm tiềm lực kinh tế, quốc phòng tại tuyến biên giới.
Bên cạnh đó, các khu vực cửa khẩu được mở tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng hai nước thường xuyên tổ chức giao ban, trao đổi tình hình, thường xuyên duy trì mối quan hệ.
Thông qua việc thông thương cửa khẩu, cư dân hai tỉnh thường xuyên tiến hành mua bán, trao đổi hàng hóa, thăm thân, qua đó gắn kết tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam-Lào.