Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Sơn không thỏa mãn với trả lời văn bản của Bộ trưởng. Ông bấm nút tiếp tục chất vấn về quy hoạch chăn nuôi lợn. Còn đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) lại tỏ ra sốt ruột khi ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
“Bộ đã có những giải pháp trước mắt khá tích cực nhưng xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, lâu dài giải quyết vấn đề này như thế nào?”, bà Lan đặt câu hỏi.
Sản xuất tăng trưởng quá nhanh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa thịt lợn.
Thứ nhất do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Trong hơn 10 năm, thực phẩm thịt lợn tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn; sữa từ 511.000 tấn lên 800.000 tấn, cùng với đó là hàng chục triệu quả trứng. Bên cạnh đó, quy mô nông hộ từ 7 triệu hộ đến nay gom lại vẫn còn hơn 3 triệu hộ.
“3 năm gần đây sức tăng trưởng thực phẩm tăng quá nhu cầu tại một thời điểm”, Bộ trưởng nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. (Nguồn: Vietnamnet) |
Thứ hai, liên quan đến rổ cơ cấu thực phẩm, trước bữa cơm có 75% là thịt lợn thì bây giờ có nhiều thực phẩm khác để người dân lựa chọn như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò… làm cho dư thừa thịt lợn tạm thời, gây mất cân đối, cung lớn hơn cầu rất nhiều.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng chỉ ra tổ chức ngành hàng chưa tốt thể hiện ở 3 điểm: chăn nuôi nhỏ lẻ; khâu liên kết yếu kém, tổ chức thị trường cũng là khâu yếu nhất.
Trước phần giải đáp của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đã bấm nút tranh luận, cho rằng xuyên suốt các câu trả lời về quy hoạch, giải cứu lợn của Bộ trưởng vắng bóng vai trò quản lý nhà nước.
Cảnh báo nhà sản xuất vắng bóng
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, nếu quy hoạch thời điểm đó có căn cứ, tiêu chí phù hợp nhưng trong cơ chế thị trường có thay đổi thì vai trò của Nhà nước dự báo, định hướng, điều chỉnh quy hoạch đó như thế nào?
“Việc cảnh báo cho nhà sản xuất, có chính sách phù hợp để tiêu thụ sản phẩm này thấy vắng bóng... Nói người tiêu dùng thông minh, Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh để không tự phát thì cử tri nói rằng nhà quản lý thông minh. Trả lời như thế này thì cử tri thấy không hài lòng...”, ông Hồng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng: “Không chỉ nông nghiệp mà còn là thị trường, giá cả thịt lợn hơi lúc 50, thị trường bán 80, lúc thịt lợn bán 20 thị trường vẫn bán 80 thì vai trò của Bộ Công Thương thế nào, vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương ra sao?”
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời: Có 2 câu chuyện mở cửa thị trường về thương mại thuế xuất và thủ tục hành chính. Nếu làm tốt khâu đầu, giảm thiểu thuế quan nhập khẩu về 0% sẽ có dư địa để xuất khẩu thịt lợn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Nguồn: Vietnamnet) |
Hàng rào quy chuẩn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Vì vậy, vai trò cơ quan quản lý nhà nước quy hoạch phải tính toán lại.
“Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần được cải tiến hơn trong tổ chức quy hoạch và làm việc với địa phương. Phải đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh. Vai trò của cơ quan nhà nước phải định hướng, vượt qua rào cản kỹ thuật thương mại để phát triển bền vững”, Bộ trưởng Công Thương chỉ rõ.
Bộ trưởng Cường cảm ơn tranh luận của đại biểu và đính chính, trong 3 khúc sản xuất, tiêu thụ thịt lợn, Bộ mới làm được 1 khúc, 2 khúc kia làm kém, không nói Bộ Nông nghiệp làm tốt.
“Trong 3 khúc một đoàn tàu, sức sản xuất mặt hàng lợn mới làm được ở sản xuất về cám, giống, về sức sản xuất, còn khoang thứ 2 là khoang chế biến, tổ chức thị trường rất kém. Không phải ông Công Thương mà đây là phạm trù của ông Nông nghiệp, đâu là ông phối hợp, đâu là ông đề xuất, đâu là ông phát hiện, đâu là cảnh báo. Cái này cũng không phải tại dân”, Bộ trưởng Cường khẳng định.