Ngày 25/7, tại Hà Nội, Friedrich-Ebert-Stiftung (Viện FES) tại Việt Nam và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã tổ chức Hội thảo Khởi động dự án “Kinh doanh và Quyền con người trong quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam”.
Hội thảo nhằm giới thiệu tới các bên liên quan mục tiêu và các hoạt động chính của dự án trong 3 năm tới, đồng thời cung cấp thêm thông tin về các khuôn khổ quốc tế bao gồm chương “Thương mại và Phát triển bền vững” trong EVFTA và Các Quy tắc Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người (UNGP).
Phát biểu khai mạc, ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách hội nhập kinh tế đã đem lại kết quả là tỉ lệ tăng trưởng cao và tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ đang gia tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, toàn cầu hóa và thương mại quốc tế cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới lao động. Chính vì thế, EVFTA, ngoài việc đề cập tới cơ hội về kinh tế, còn đề cập tới một yếu tố quan trọng khác là chương “Thương mại và Phát triển bền vững”, trong đó khẳng định lại các tiêu chuẩn quốc tế về lao động và môi trường.
Dự án lần này hướng tới mục tiêu thúc đẩy các quy tắc đã được công nhận rộng rãi và được đảm bảo bởi UNGP trong quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng tại Việt Nam, thông qua việc tăng cường sự tham gia của các bên trong quá trình thực thi và giám sát nội dung về thương mại và phát triển bền vững của EVFTA.
“Tôi kỳ vọng trong tương lai, các bên sẽ tiếp tục hợp tác và tham gia dự án để cải thiện các vấn đề lao động tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập thương mại toàn cầu”, ông Erwin Schweisshelm nói.
Toàn cảnh Hội thảo ngày 25/7 tại Hà Nội. (Ảnh: Ái Phương) |
Bà Miriam Garcia-Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, quá trình thảo luận về EVFTA giữa EU và Việt Nam đã hoàn tất và hai bên đã sẵn sàng cho việc ký kết thỏa thuận vào cuối năm nay.
“Từ phía EU, chúng tôi luôn ủng hộ Việt Nam thực thi EVFTA nói chung và chương về Thương mại và Phát triển bền vững nói riêng, thúc đẩy các thực hành tốt hơn về bảo vệ môi trường và quyền con người. Việc thực hiện EVFTA phải đem lại lợi ích cho cả hai bên, cả EU và Việt Nam”, bà Miriam Garcia-Ferrer nhấn mạnh.
Chia sẻ về thương mại và phát triển bền vững, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu (EP) cho hay, ông kỳ vọng EVFTA sẽ được ký kết vào cuối năm nay và phía EP sẽ phê chuẩn, thực thi thỏa thuận trước khi kết thúc nhiệm kì vào tháng 5/2019.
“Đầu năm tới, chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu thực hiện tất cả các chương trong thỏa thuận, bao gồm sự gắn kết giữa thương mại và phát triển bền vững. Đây là yếu tố cốt lõi của khái niệm thương mại dựa trên giá trị của Liên minh châu Âu”, ông Bernd Lange nói.
Theo ông Bernd Lange, 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang là mối quan tâm của các Nghị sỹ châu Âu. Việc Việt Nam đưa ra những cam kết rõ ràng và mang tính ràng buộc sẽ góp phần thuyết phục các nghị sỹ sớm thông qua EVFTA.
Còn bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, việc bảo vệ các quyền của người lao động là một phần trong Bộ nguyên tắc hướng dẫn UNGP do Liên hợp quốc đưa ra. Đại diện UNDP cũng cho biết, việc xây dựng một Công ước về doanh nghiệp và quyền con người cũng đã được Chính phủ Việt Nam ủng hộ.