📞

Thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Lê An 16:12 | 24/05/2021
Ngày 24/5, Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Australia và các cơ quan của Liên hợp quốc (UNFPA, UNICEF và UN Women) đã cam kết cùng hợp tác và kêu gọi nhiều nỗ lực chung hơn nữa nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Cam kết này được đưa ra tại Lễ tổng kết dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” vừa được Chính phủ Australia, UNFPA, UNICEF và UN Women tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Tại sự kiện, dự án mới “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025" cũng đã được ký kết.

Đại diện các bên thực hiện ký kết tại sự kiện. (Nguồn: UNFPA)

Dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” do UNFPA, UNICEF và UN Women phối hợp thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021 cùng với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và các bên liên quan khác.

Dự án nhằm tăng cường các cơ chế phòng ngừa và ứng phó quốc gia nhằm giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh Covid-19. Dựa trên thành công của dự án, Chính phủ Australia hiện đang viện trợ 9,5 triệu AUD để hỗ trợ dự án mới “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam” sẽ được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2025.

Dự án mới này nhằm đạt được một mục tiêu là tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có thể sống một cuộc sống không bạo lực thông qua các chiến lược phòng ngừa được tăng cường và các biện pháp ứng phó đa ngành.

Tại sự kiện, Đại sứ Australia tại Việt Nam H.E Robyn Mudie cho biết, trong 12 tháng qua, tất cả các quốc gia đã học được rằng ứng phó toàn diện với đại dịch có nghĩa là ứng phó với những thách thức mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt và đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

“Trong vòng 4 năm tới, chương trình dự án mới sẽ tăng cường các chiến lược phòng ngừa và các nỗ lực ứng phó đa ngành nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em. Chương trình sẽ tăng cường hệ thống ứng phó với bạo lực và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận thực tế và dài hạn này sẽ tạo ra sự khác biệt đối với những việc mà chúng ta biết là cần thiết và phụ nữ và trẻ em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và họ sẽ được sự giúp đỡ khi họ cần.”

Bà Naomi Kitahara, Đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Dự án mà chúng tôi công bố hôm nay cho thấy sự hợp tác tuyệt vời giữa Chính phủ Australia, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Không có cách nào để Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 mà không giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Cùng nhau, chúng ta đang đóng góp cho một Việt Nam không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và nhân phẩm của mọi người đáng được tôn trọng”.

Theo bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã là một vấn đề xã hội lớn từ trước khi Covid-19 bùng phát. Chúng ta đã chạm đến ngưỡng cần phải hiểu rằng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gây ra tổn thất cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai và đã đến lúc cần phải đứng lên, thể hiện lập trường mạnh mẽ rằng bạo lực phụ nữ và trẻ em là vấn đề không thể khoan nhượng được”.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam cũng nói: “Đại dịch Covid-19 đã cho thấy một nhu cầu hiển nhiên về các dịch vụ thiết yếu có chất lượng, sẵn có để ứng phó hiệu quả với các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đại dịch cũng dạy chúng ta rằng cần có sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan để tạo ra sự khác biệt thực chất trong thời kỳ khủng hoảng. UN Women hân hạnh được cùng đồng hành trong hành trình này”.