📞

Thúc đẩy dạy và học tiếng Đức tại các trường phổ thông

20:28 | 07/11/2014
“Tương lai của việc giảng dạy tiếng Đức tại các trường phổ thông ở Việt Nam” là chủ đề chính của hội thảo giáo dục Đức, vừa diễn ra sáng 7/11 tại Hà Nội.
Ông Jonas Koll, tùy viên Văn hóa Báo chí tại Đại sứ quán Đức phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: ĐSQ Đức tại Hà Nội)

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban ngành các tỉnh, đại diện một số trường phổ thông, đại diện của Đại sứ quán Đức, các tổ chức Đức và đại diện doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Hoàn, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giới trẻ Việt Nam đang ngày càng được tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Đức. Vào năm 2007, trong khuôn khổ sáng kiến trường học đối tác (PASCH) của Bộ Ngoại giao Đức, dự án giảng dạy tiếng Đức đã bắt đầu được đưa vào giảng dạy thí điểm tại các trường phổ thông ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, tiếng Đức chỉ được giảng dạy tại một trường phổ thông duy nhất ở Việt Nam.

Ngày nay, tiếng Đức được giảng dạy tại 9 trường tại các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng. 1629 học sinh đang theo học tiếng Đức tại các trường này. Các em học sinh sau khi tham dự các khóa học tiếng Đức ở trường thường tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Đức (DSD) và với chứng chỉ này các em có thể nộp hồ sơ để theo học đại học tại Đức.

Còn theo ông Jonas Koll, Tùy viên Văn hóa Báo chí tại Đại sứ quán Đức, mối quan tâm đối với nước Đức, với ngôn ngữ Đức và việc học đại học tại Đức liên tục tăng trong những năm qua. Ông chỉ ra rằng, với bản ghi nhớ hai nhà nước ký kết trong năm 2013, vị thế của việc giảng dạy tiếng Đức tại các trường phổ thông đã được nâng lên một bậc từ thí điểm lên triển khai chính thức. Như vậy, tiếng Đức không chỉ được giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai mà thậm chí là ngoại ngữ thứ nhất tại các trường phổ thông ở Việt Nam.

Bà Andrea Kunze, điều phối viên văn phòng ZfA tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện các điều kiện khung cho việc giảng dạy tiếng Đức tại các trường. Hiện nay tiếng Đức chưa được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức tại 7 trong số 9 trường tham gia vào dự án. Có nghĩa là học sinh ngoài lịch học bình thường phải tham gia học tiếng Đức trong giờ ngoại khóa, mỗi tuần khoảng 6 tiết.

Đại diện của ZfA cũng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc đưa tiếng Đức vào giảng dạy theo lịch chính khóa ngay từ cấp trung học để học sinh sau khi kết thúc phổ thông với 7 năm cọ xát với tiếng Đức và văn hóa Đức sẽ có đủ khả năng tham dự kì thi lấy chứng chỉ tiếng Đức DSD II. Với chứng chỉ tiếng Đức này, học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ được đơn giản hóa các thủ tục để sang Đức học tiếp đại học.

Chương trình tiếng Đức ở Việt Nam là một phần của sáng kiến PASCH được triển khai trên toàn cầu với 360000 học sinh học tiếng Đức tại hơn 1000 trường phổ thông đối tác. Mục tiêu chính của chương trình là nâng cao sự hiểu biết giữa các dân tộc, sự hiện diện của tiếng Đức ở nước ngoài, sự quảng bá rộng rãi hình ảnh một nước Đức hiện đại cũng như nâng cao hợp tác văn hóa để người dân ở các đất nước, dân tộc khác nhau xích lại gần nhau hơn.

Hồng Hoa (theo ĐSQ Đức tại Hà Nội)