Ngày 16/6/2021, Hội đồng Bảo an họp đánh giá hiệu quả hoạt động sau 15 tháng bị tác động bởi đại dịch Covid-19. |
Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 trùng hợp với thời điểm Việt Nam giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Trong các cuộc thảo luận liên quan đến ứng phó với đại dịch Covid-19, các đại diện của Việt Nam tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đều khẳng định vai trò của hợp tác quốc tế để tạo ra những bước tiến trong công tác chống dịch; nhấn mạnh sự đoàn kết, hợp tác đa phương nhằm giải đáp những câu hỏi cấp bách do dịch bệnh đặt ra.
Từ lời kêu gọi đoàn kết chống đại dịch...
Tại cuộc họp trực tuyến thảo luận về đại dịch Covid-19, nhất là ảnh hưởng của đại dịch đối với các vấn đề thuộc chức năng của HĐBA diễn ra ngày 9/4/2020, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi HĐBA LHQ thống nhất và phát huy vai trò trong việc huy động phối hợp quốc tế nhằm ứng phó dịch bệnh.
Phiên họp của HĐBA được tổ chức theo đề nghị của Việt Nam và 8 nước thành viên không thường trực khác của HĐBA LHQ.
Tổng Thư ký LHQ khẳng định ưu tiên hiện nay của LHQ là cùng các nước thúc đẩy việc ngừng bắn tại các điểm xung đột trên thế giới, huy động nguồn lực quốc tế cho việc hỗ trợ các nước, ưu tiên hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực có nhu cầu nhất; các phái bộ LHQ sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng.
Chia sẻ về ý kiến của Tổng Thư ký LHQ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, điều phối quốc tế, đa phương trong hoàn cảnh hiện nay.
Đại diện Việt Nam kêu gọi chính phủ các nước, hệ thống LHQ, các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế, các tổ chức khu vực và các bên liên quan khác tăng cường phối hợp nhằm phục vụ ưu tiên hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ và nỗ lực của Tổng thư ký LHQ trong thời gian vừa qua, chia sẻ lời kêu gọi của Tổng thư ký về ngừng bắn tại các cuộc xung đột trên thế giới.
Bên cạnh đó, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam đề nghị LHQ và các bên quan tâm tới các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật, đồng thời chú trọng bảo đảm an toàn cho cán bộ LHQ trong nỗ lực hỗ trợ các nước ứng phó với đại dịch.
... đến Nghị quyết 2532 kêu gọi ngừng bắn
Từ kết quả của các cuộc họp bàn về phối hợp ứng phó với đại dịch, ngày 1/7/2020, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, kêu gọi các bên tham gia xung đột trên thế giới ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức.
Với sự ủng hộ của toàn bộ 15 nước ủy viên HĐBA, Nghị quyết 2532 hối thúc tất cả các bên đang tham chiến ngay lập tức ngừng bắn trong ít nhất 90 ngày để tạo điều kiện cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo diễn ra an toàn, thuận lợi, bảo đảm hàng cứu trợ tới được những người đang cần giúp đỡ, hỗ trợ công tác cứu trợ và sơ tán y tế.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. |
Nghị quyết thừa nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong những nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19, cũng như những tác động tiêu cực của đại dịch, đặc biệt là tác động kinh tế, xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái, trẻ em, người cao tuổi, người sơ tán trong nước, người khuyết tật,... bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và hiệu quả của nữ giới và thanh niên trong ứng phó với đại dịch.
Đại dịch với trẻ em trong xung đột vũ trang
Ngày 7/5, HĐBA LHQ đã họp theo thể thức Arria về “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em trong xung đột vũ trang” với sự tham dự của 32 nước, một số cơ quan của LHQ và các tổ chức phi chính phủ.
Họp theo thể thức Arria là hình thức họp không chính thức của HĐBA nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước trong và ngoài HĐBA cũng như các tổ chức quốc tế.
Cuộc họp được các ủy viên HĐBA gồm Estonia, Na Uy, Pháp, Tunisia, Ireland, Anh, Mỹ, Kenya, Niger, Saint Vincent và Grenadines, Việt Nam cùng các nước Bỉ, Thụy Điển, Đức và Canada đồng tổ chức.
Tại cuộc họp, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang, bà Virginia Gamba nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 và các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh đã làm trì hoãn nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em trong xung đột vũ trang.
Bên cạnh đó, đại dịch cũng tác động nghiêm trọng đến năng lực của LHQ trong việc giám sát và xác minh các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột vũ trang, cản trở các nỗ lực của LHQ ở cấp quốc gia trong việc liên hệ với các bên tham gia xung đột nhằm chấm dứt và ngăn ngừa các vi phạm đối với trẻ em.
Các ý kiến tại cuộc họp chia sẻ những thách thức liên quan đến bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang, cho rằng đại dịch đang gây thêm nhiều khó khăn cho công tác này.
Giữa đại dịch, trẻ em trong xung đột còn phải chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi hơn như không được tới trường do trường học bị đóng cửa hay bị tấn công, dễ bị bạo lực tình dục, có khả năng bị các nhóm vũ trang, khủng bố lôi kéo, tuyển mộ và sử dụng.
Nhiều nước nhấn mạnh các chính phủ cần có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ và bảo đảm lợi ích tốt nhất của các em, cũng như cần tăng cường hợp tác quốc tế, cả về mặt tài chính, nhằm thúc đẩy việc bảo vệ trẻ em ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh các quốc gia trong xung đột vũ trang phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ, ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của trẻ em, tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.
Đồng thời, để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, Đại sứ cho rằng, cần bảo đảm giáo dục và tăng cường trao quyền cho trẻ em, qua đó sẽ giúp các em nuôi dưỡng và phát triển văn hóa hòa bình. Các bên tham gia xung đột vũ trang cần ngay lập tức ngăn ngừa và chấm dứt tất cả các cuộc tấn công vào trường học.
Tác động đến nỗ lực phòng chống khủng bố
Ngày 16/6/2021, Tunisia phối hợp với Ireland, Anh, Estonia, Kenya, Niger, Na Uy, Pháp, Saint Vincent & Grenadines và Việt Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến theo thể thức Arria của HHĐBA LHQ về tác động của đại dịch Covid-19 đến các nỗ lực phòng chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách Cơ quan điều hành chống khủng bố (CTED) Michèle Coninsx cho rằng, các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch về lâu dài sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa khủng bố, nhất là tại các nước có tình hình kinh tế - chính trị mong manh.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định, yếu tố quan trọng hàng đầu trong chống khủng bố hiện nay là đoàn kết và tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ các nước và khu vực tăng cường năng lực phát hiện, ngăn ngừa và chống khủng bố quốc tế, cũng như hỗ trợ các nước phục hồi bền vững sau đại dịch, bảo đảm tiếp cận vaccine một cách công bằng.
Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh, cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố thông qua phát triển kinh tế, hòa giải dân tộc, xây dựng xã hội công bằng, khoan dung và có khả năng tự kháng đối với khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng nhấn mạnh, cần bảo đảm các biện pháp phòng chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Từ đầu năm 2021, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, cho dù việc triển khai vaccine đang mở ra triển vọng mới trong phòng chống dịch bệnh và phục hồi sau khủng hoảng.
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19, như lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) ngày 31/5/2021 thì “nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng sự hợp tác quốc tế hiệu quả là không thể thiếu”.
Với phương châm đó, Việt Nam sẽ tiếp tục góp tiếng nói có trách nhiệm tại HĐBA LHQ, đề cao sự chung tay của thế giới trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.