Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Rodrigo Yanez ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam – Chile tại Santiago tháng 7/2018 với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chile Roberto Ampuero Espinoza. |
Chile – đối tác thương mại đầy triển vọng của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh
Nằm ở phía Nam Nam Mỹ với diện tích 756.950 km2, Chile là một quốc gia sở hữu nhiều vùng địa thế với khí hậu ôn hoà. Chile là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đứng đầu thế giới về trữ lượng khai thác và chế biến đồng, litio và xếp thứ 2 thế giới về sản xuất i-ốt và molipden. Kinh tế Chile đã đạt mức tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong nhiều năm qua và được đánh giá là nước có nền kinh tế phát triển ổn định nhất trong số các nước Mỹ Latinh. Hiện nay, Chile là nước có nền kinh tế xếp thứ 5 trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe, chỉ sau Brazil, Mexico, Argentina và Colombia, nhưng thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 2 chỉ sau Argentina.
Mặc dù là một thị trường tương đối nhỏ do diện tích hẹp và quy mô dân số ít, nhưng Chile được coi là quốc gia có nền kinh tế tự do nhất ở Mỹ Latinh. Chile đã ký 29 hiệp định thương mại với 65 quốc gia, trở thành quốc gia có số lượng hiệp định được ký kết nhiều nhất trên toàn thế giới, cho phép quốc gia này tiếp cận hơn 67% dân số thế giới và giao thương với các quốc gia đại diện cho 88% GDP toàn cầu.
"Mặc dù là một thị trường tương đối nhỏ do diện tích hẹp và quy mô dân số ít, nhưng Chile được coi là quốc gia có nền kinh tế tự do nhất ở Mỹ Latinh. Chile đã ký 29 hiệp định thương mại với 65 quốc gia, trở thành quốc gia có số lượng hiệp định được ký kết nhiều nhất trên toàn thế giới". |
Năm vừa qua, tổng kim ngạch thương mại Chile với thế giới đạt 130,76 tỷ USD, giảm 6,4% so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu đạt 71,72 tỷ, tăng 3% so với năm 2019 và nhập khẩu đạt 59,03 tỷ USD, giảm 15%. Riêng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI), Chile tiếp tục nhận được nhiều dự án mới, bất chấp dịch bệnh. Theo InvestChile, trong 8 tháng đầu 2020, Chile nhận hơn 10 tỷ USD FDI, tăng 11% so với cùng kỳ 2019. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào thị trường Chile.
Với vị thế kinh tế và chính trị trên trường quốc tế, Chile đang trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và là cầu nối để Việt Nam thâm nhập thị trường khu vực sôi động và đầy tiềm năng này.
Chile – thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa xuất khẩu của Việt Nam
Trước khi hai nước ký kết Hiệp định thương mại tự do, trao đổi thương mại giữa hai Bên được duy trì ổn định và có tăng trưởng khá. Năm 2013, một năm trước khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Chile có hiệu lực, kim ngạch trao đổi hai chiều chỉ đạt gần 500 triệu USD. Năm 2017, ba năm sau khi FTA Việt Nam – Chile có hiệu lực, tổng kim ngạch hai chiều đạt 1,28 tỷ USD, tăng 24,3% với năm 2016 và cao gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi FTA đi vào hiệu lực. Thành tích ấn tượng này cho thấy FTA đã mang lại cú hích lớn cho quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa Chile trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil, Mexico và Argentina).
Năm 2020 vừa qua, mặc dù quốc gia Nam Mỹ phải hứng chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả tích cực, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt 1,28 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đạt 1,02 tỷ USD, tăng 8,3%, nhập khẩu đạt 265,5 triệu USD, giảm 8,1%.
Hai tháng đầu năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Chile trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 264,8 triệu USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu sang Chile đạt 216 triệu USD, tăng 31%, nhập khẩu đạt 48,8 triệu USD, tăng 44,1%.
Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Chile. (Nguồn: Tổng Cục Hải quan) |
Các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sang Chile chủ yếu là hàng tiêu dùng như: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may, giày dép các loại, clanke và xi măng, gạo; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ...
Việt Nam nhập khẩu từ Chile chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng để làm dây và cáp điện, gỗ rừng trồng để sản xuất đồ gỗ, bột cá để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi tôm cá, bột giấy. Ngoài ra, ta cũng nhập khẩu một số sản phẩm khác như rượu vang, hoa quả tươi,dầu mỡ động thực vật, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phế liệu sắt thép...
Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Chile đang ngày càng mở rộng và phát triển – thách thức và giải pháp
Trong suốt 50 năm qua, kể từ ngày Việt Nam và Chile chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 3/1971, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác đã được ký kết trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, khoa học công nghệ..., trong đó nổi bật là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile ký ngày 11/11/2011 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Cơ chế Hội đồng thương mại tự do Việt Nam–Chile được tổ chức định kỳ nhằm rà soát các vướng mắc trong quá trình thực thi FTA, với Phiên họp lần III được tổ chức tại Santiago vào tháng 7/2018 và Phiên họp lần IV dự kiến sẽ tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2021.
Việt Nam và Chile cũng cùng là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu trong năm 2021 Quốc hội Chile phê chuẩn CPTPP thì thị trường Chile sẽ trở thành thị trường xuất khẩu rất có tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời ta có thể tận dụng đưa hàng Việt Nam vào các nước Peru, Bolivia, phía Nam của Brazil và phía Bắc của Argentina thông qua Khu mậu dịch tự do Iquique nằm tại phía Bắc của Chile.
Có thể nói, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, cùng sức hấp dẫn của mỗi thị trường vừa là động lực, vừa là sức hút để Việt Nam và Chile xích lại gần nhau hơn, mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
"Có thể nói, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, cùng sức hấp dẫn của mỗi thị trường vừa là động lực, vừa là sức hút để Việt Nam và Chile xích lại gần nhau hơn, mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại". |
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn trở ngại do Việt Nam và Chile nằm ở hai khu vực địa lý cách xa nhau, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải và đi lại dài và chi phí cao, sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán làm ăn kinh doanh, thông tin về đất nước, con người, văn hóa, môi trường và cơ hội kinh doanh của Chile phát hành bằng tiếng Việt và ngược lại còn hạn chế. Những trở ngại khác cũng cần phải kể đến là hệ thống rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá, quy trình thủ tục hành chính...
Để vượt qua những khó khăn và trở ngại nhằm mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại cũng như hợp tác sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực, hai nước cần nghiên cứu, triển khai một số biện pháp theo hướng:
Thứ nhất, hoàn thiện môi trường chính sách và thể chế ở mỗi nước theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và rào cản thương mại không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển và mở rộng quan hệ buôn bán và hợp tác đầu tư với nhau; sớm thúc đẩy việc phê chuẩn các hiệp định ưu đãi thương mại và thực hiện Hiệp định để tận dụng tối đa các ưu đãi; phát huy vai trò Hội đồng Thương mại tự do nhằm xác định cơ hội, xây dựng chương trình, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Thứ hai, tăng cường cung cấp thông tin và quảng bá về môi trường và cơ hội kinh doanh, và du lịch tại Việt Nam đến các doanh nghiệp và người dân Chile, nhất là bằng tiếng Tây Ban Nha và ngược lại bằng tiếng Việt. Việt Nam và Chile có thể hợp tác xuất bản và tăng thời lượng giới thiệu về nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng của mình. Khuyến khích và hỗ trợ trao đổi các đoàn thương mại, tổ chức các hội nghị hội thảo về kinh doanh, giới thiệu và hỗ trợ thiết lập quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai bên.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt môi trường và cơ hội kinh doanh của nhau, xác định và tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác và các mặt hàng có thể trao đổi, tận dụng triệt để những ưu đãi thương mại đã được ký kết, kịp thời phản ánh những khó khăn trở ngại để các chính phủ tìm cách tháo gỡ.
Việt Nam và Chile trong 50 năm qua đã cùng nhau nỗ lực hợp tác và đạt được thành quả vô cùng to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học; ở cả cấp độ song phương, khu vực và thế giới.
Trên cơ sở nền tảng vững chắc và tốt đẹp đã và đang được xây dựng, với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai, đưa mối quan hệ Việt Nam –Chile lên một tầm cao mới.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Chile (25/3/1971 - 25/3/2021), Báo Thế giới & Việt Nam xuất bản Đặc san “Việt Nam - Chile: Đối tác Toàn diện”, trong đó có thông điệp của Lãnh đạo hai nước, bài viết của hai Bộ trưởng Ngoại giao, các Thứ trưởng phụ trách kinh tế, các Đại sứ, học giả, chuyên gia, doanh nghiệp… Ấn phẩm song ngữ (tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha) dày 140 trang là bức tranh khá toàn diện và nhiều màu sắc về quan hệ Việt Nam - Chile theo chiều dài lịch sử với kỳ vọng tốt đẹp hướng tới tương lai. Bạn đọc quan tâm xin liên hệ: Điện thoại +84-24-3799.3143, Email: baoquocte2016@gmail.com |