Trong chuyến thăm của Thủ tướng N. Modi đến Việt Nam đầu tháng 9/2016, lãnh đạo hai nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.
Trên tinh thần đó, từ ngày 21-24/9/2016, theo thư mời của 2 trường Đại học quy mô lớn của Ấn Độ: Đại học Lovely Professional University (LPU) và Chandigarh University (CU), bang Punjab của Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã có chuyến thăm trao đổi tình hình hợp tác giáo dục, nói chuyện và giao lưu với sinh viên của hai trường.
Thành phố thu nhỏ
Trường LPU có diện tích khoảng 245 ha, có khuôn viên lớn nhất trong số các trường công lập cũng như tư nhân của Ấn Độ, đào tạo đa ngành (chỉ không có ngành Y). Trường có khoảng 30.000 sinh viên, trong đó có khoảng 20.000 sinh viên có thể ở trong ký túc xã của trường, khoảng 1.900 giáo viên và hơn 4.000 cán bộ nhân viên, 400 nhân viên bảo vệ.
Đại sứ Tôn Sinh Thành giao lưu với sinh viên trường LPU. (Ảnh:T.B) |
Quy mô của trường khá lớn, như một thành phố nhỏ, hàng ngày có khảng 42.000-45.000 người trong trường. Sinh viên được quy định đi lại trong trường bằng xe đạp, hoặc xe túc túc do sinh viên tự quản lý.
Mỗi khoa của trường ở một tòa nhà, có thư viện riêng. Trường có một thư viện chung ở tòa nhà 9 tầng. Ký túc xá nam và nữ riêng biệt, quản lý hoàn toàn bằng điện tử, khi vào bằng dấu vân tay và khi ra quẹt thẻ sinh viên. Mỗi tòa nhà của ký túc xá có một siêu thị nhỏ bên dưới để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống cho sinh viên. Trong trường có các khu vui chơi giải trí, siêu thị, căng tin rộng lớn. Trường có đầy đủ mọi dịch vụ, sinh viên không nhất thiết phải ra ngoài.
“Học kết hợp với hành”
Trường CU có khoảng 20.000 sinh viên thì khoảng 9.000 được ở ký túc xá. Khuôn viên trường bằng 1/6 của LPU nhưng khang trang. Cũng như trường LPU, trường CU đào tạo đa ngành. Mô hình giáo dục của hai trường là học kết hợp với thực hành, theo mô hình của các nước châu Âu và Mỹ, đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Trường phối hợp với các công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin như IBM, Oracle, MSC Software, Hewlett Packard Enterprise (HPE)… để đạo tạo chuyên sâu cho sinh viên ngành IT, đi sâu vào phần các dự án ứng dụng, phát huy tính sáng tạo của sinh viên trong công việc thực tế.
Khoa du lịch, khách sạn của trường PLU có khách sạn để sinh viên được làm việc trực tiếp từ quản lý, đến phục vụ. Khoa Quản lý Du lịch và Dịch vụ của Đai học CU có nhà hàng do sinh viên trực tiếp quản lý, nấu ăn, phục vụ.
Ngoài ra, cả hai trường đều có các ngành đào tạo về thiết kế thời trang, đạo diễn phim ảnh, dược … Thế mạnh của hai trường là về các ngành đạo tạo IT, kinh tế, quản trị kinh doanh và đào tạo kỹ sư. Chỉ riêng hai trường đại học này đã cho thấy sự phát triển đúng hướng và khá ấn tượng của “công nghệ giáo dục” tại Ấn Độ. Không khí học tập, nghiên cứu tại hai trường, sự nghiêm túc nhưng rất tự tin, mạnh dạn của sinh viên trong giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh với Đại sứ đã phần nào cho thấy được sản phẩm tốt của đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Ấn Độ. Điều ngạc nhiên và đáng mừng là lãnh đạo hai trường đại học này rất mong muốn có sự hợp tác giáo dục đào tạo với Việt Nam.
Tăng cường gắn kết
Tại mỗi nơi, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã được đón tiếp trọng thị theo nghi lễ đón cấp cao của trường. Đại sứ đã trao đổi với lãnh đạo trường LPU, tìm ra nguyên nhân chậm thực hiện thỏa thuận và tìm hướng giải quyết thúc đẩy thực hiện Bản ghi nhớ (MOU) mà trường đã ký với FPT Việt Nam từ tháng 5/2012 -5/2017.
Đại sứ Tôn Sinh Thành và lãnh đạo Trường Đại học CU. (Ảnh: T.B) |
Phát biểu với lãnh đạo trường LPU, Đại sứ Tôn Sinh Thành ủng hộ việc tiếp tục ký gia hạn MOU về trao đổi giáo dục giữa hai trường, cụ thể về trao đổi sinh viên, giảng viên, một số chương trình đào tạo IT của LPU cho FPT Việt Nam.
Trước mắt, trong thời gian gần nhất, trường LPU cần cử một đoàn gồm lãnh đạo trường và các khoa sang Việt Nam trao đổi trực tiếp với lãnh đạo trường FPT, ký gia hạn MOU và bàn các bước cụ thể để thực hiện tốt MOU. Trường CU cũng đã ký MOU với trường FPT đầu năm 2016 về các khóa đào tạo ngắn hạn IT cho sinh viên Việt Nam. Thực hiện thỏa thuận, phía FPT sẽ đưa một đoàn 30 sinh viên Việt Nam sang đào tạo chuyên sâu ba tháng ngành IT tại CU vào cuối năm 2016 đến đầu 2017.
Ngành IT là thế mạnh của Ấn Độ. Việc đào tạo theo nhu cầu của xã hội kết hợp kiến thức với thực hành chuyên môn với các công ty IT nổi tiếng thế giới tại các trường Đại học của Ấn Độ được Đại sứ Tôn Sinh Thành hoan nghênh và mong muốn có một sự kết nối chặt chẽ, nhiều hơn nữa giữa các trường này với các trường công nghệ, kỹ thuật của Việt Nam.
Ngoài ra, Đại sứ cũng rất quan tâm đến mảng đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh, có thể kết nối với các trường ngoại ngữ cũng như các Trung tâm ngoại ngữ của Việt Nam để đưa sinh viên Việt Nam sang học. Các trường đều có chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn đáp ứng nhu cầu của sinh viên Việt Nam cũng như các khoản học phí, ăn, ở phù hợp với túi tiền các gia đình Việt Nam, chứ không quá cao như các trường ở Mỹ, Anh, Australia…
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ hết sức ủng hộ và giúp đỡ cho các trường của Ấn Độ vào Việt Nam quảng bá, thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam sang du học tại Ấn Độ.
Đại sứ cũng trao đổi với lãnh đạo hai trường về việc phối hợp thành một nhóm trường liên kết, cử đại diện và đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh ủng hộ, giúp đỡ để nhóm các trường Ấn Độ vào Việt Nam làm tuần/tháng quảng bá giáo dục tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Phát biểu với lãnh đạo các trường đại học, Đại sứ Tôn Sinh Thành rất mong quan hệ giáo dục hai nước phát triển tốt, để cùng đào tạo nguồn nhân lực với kiến thức ngoại ngữ, công nghệ cao, phục vụ tốt cho đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.