Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Nguồn: quochoi.vn) |
Nhận lời mời của Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matvienko, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga từ ngày 8-10/9.
Nhân dịp này, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Xin ông cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn?
Đây là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đầu tiên của đồng chí Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và cũng là chuyến thăm Liên bang Nga đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong năm 2024; ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Putin vào tháng 6/2024.
Chuyến thăm là một trong những hoạt động thực chất và hiệu quả nhằm cụ thể hóa Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga, được lãnh đạo hai nước thống nhất nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin; cũng như nội dung về định hướng thúc đẩy hợp tác được trao đổi, thống nhất giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm ngày 8/8/2024 vừa qua.
Chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, quan hệ hợp tác chặt chẽ, tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang của Quốc hội Liên bang Nga nói riêng.
Ông có thể chia sẻ về những điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn?
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hết sức quan trọng. Chủ tịch Quốc hội ta sẽ hội đàm và cùng Chủ tịch Duma Quốc gia Nga chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga.
Đây là mô hình hợp tác nghị viện cao nhất, đầu tiên giữa Quốc hội nước ta với một cơ quan lập pháp nước ngoài. Hai bên đã tổ chức thành công Phiên họp lần thứ nhất vào năm 2019 tại Nga, Phiên họp lần thứ hai vào năm 2023 tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội ta dự kiến sẽ hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga và ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang, chứng kiến ký thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Duma Quốc gia Nga nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Quốc hội hai nước tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trong tình hình mới.
Trong chuyến thăm này, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ hội kiến và tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Liên bang Nga cũng như các lãnh đạo một số chính Đảng lớn của Liên bang Nga; tiếp một số lãnh đạo địa phương của Liên bang Nga có hợp tác với Việt Nam; gặp mặt đại diện Hội Hữu nghị Nga-Việt và Hội Cựu chiến binh Nga đã từng chiến đấu tại Việt Nam; tiếp đại diện một số doanh nghiệp lớn của Liên bang Nga có hợp tác với Việt Nam; tiếp đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam đang hoạt động kinh doanh tại Liên bang Nga.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và bà con kiều bào ta đang sinh sống, học tập và kinh doanh tại Liên bang Nga.
Chiều 20/6, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Thưa ông, phía Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Đối ngoại chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này như thế nào?
Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội, để chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm, ngay từ sớm, Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Đối ngoại đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để chuẩn bị nội dung, điều kiện bảo đảm, nhân sự, chương trình chuyến thăm, các Đề án chính trị, Đề án lễ tân, thông tin và các nội dung khác liên quan đến chuyến thăm.
Tổng thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại thường xuyên trao đổi thông tin, tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn liên quan thuộc Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị nội dung, đặc biệt là kịp thời hoàn thiện dự thảo Thỏa thuận giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga, thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Duma Quốc gia, các tham luận và Thông cáo chung Phiên họp lần thứ ba Ủy ban hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga.
Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại cũng thường xuyên trao đổi thông tin trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo về công tác lễ tân, hậu cần, bảo đảm an ninh, an toàn cho chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Nguồn: quochoi.vn) |
Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga thông qua cơ chế hợp tác liên Nghị viện thời gian qua?
Mô hình Ủy ban hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Liên bang Nga là mô hình hợp tác liên nghị viện cấp cao nhất, đầu tiên giữa Quốc hội nước ta với một cơ quan lập pháp nước ngoài do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga là đồng Chủ tịch Ủy ban. Trên cơ sở hiệu quả thiết thực của mô hình hợp tác này, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội/Nghị viện một số nước đã thiết lập cơ chế hợp tác tương tự.
Về cơ chế, Ủy ban họp mỗi năm một lần luân phiên tại mỗi nước. Tại mỗi phiên họp, hai bên sẽ trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về việc ban hành chính sách, pháp luật; cùng nhau rà soát, giám sát tình hình thực hiện, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp thúc đẩy triển khai các văn kiện hợp tác đã ký kết giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, quốc phòng-an ninh, năng lượng, giao thông vận tải, thông tin-truyền thông, tài chính, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa-du lịch, hợp tác giữa các địa phương và hợp tác tại các diễn đàn đa phương.
Từ khi thành lập cơ chế hợp tác này năm 2018, hai Cơ quan lập pháp đã tổ chức Phiên họp lần thứ nhất tại Moscow năm 2019; Phiên họp lần thứ hai tại Hà Nội năm 2023 và lần thứ ba tại Moscow nhân chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Thông qua cơ chế hợp tác này, hai bên sẽ phát huy vai trò hỗ trợ của Quốc hội đối với Chính phủ và các địa phương của hai nước để thúc đẩy các ưu tiên trọng tâm hợp tác trong quan hệ song phương.
Ngay sau chuyến công tác này của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban liên Chính phủ hai nước cũng sẽ họp tại Moscow để trao đổi cụ thể về các nội dung hợp tác giữa hai Chính phủ.