Chủ tịch Thượng viện Bỉ Stéphanie D'Hose. (Nguồn: TTXVN) |
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Thượng viện Bỉ Stéphanie D'Hose thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-25/8.
Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong đã trả lời phỏng vấn báo chí về nội dung chuyến thăm và quan hệ giữa Việt Nam với Bỉ nói riêng và với Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
Xin Phó Chủ nhiệm giới thiệu khái quát về bối cảnh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ?
Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ là chính khách cấp cao nhất của Bỉ sang thăm Việt Nam trong năm 2023. Đây cũng là dịp hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973 - 22/3/2023).
Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Bỉ; tăng cường sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, thỏa thuận hợp tác giữa Thượng viện, Hạ viện Bỉ và Quốc hội Việt Nam sẽ được ký kết, góp phần thiết lập khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong thời gian sắp tới.
Bỉ là đối tác quan trọng của Việt Nam trong Liên minh châu Âu cũng như trên thế giới và cũng là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng; là cửa ngõ của hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Bên cạnh đó, Bỉ cũng là nơi đặt trụ sở của các cơ quan, tổ chức quốc tế, EU và nhiều doanh nghiệp quốc tế. Vì vậy, Bỉ có vị trí hết sức quan trọng trong thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Bỉ, EU và khu vực nói chung.
Đây cũng là dịp hai bên đánh giá lại kết quả hợp tác trong 5 năm vừa qua và đề ra những biện pháp hợp tác trong thời gian sắp tới, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam và Bỉ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bỉ cũng có rất nhiều thế mạnh và tiềm năng chúng ta có thể tăng cường hợp tác nhất là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của Bỉ, các ngành công nghiệp dịch vụ, logistics, năng lượng sạch, năng lượng thay thế, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.
Ngoài việc tăng cường hợp tác Nghị viện, lãnh đạo Thượng viện Bỉ và Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận các biện pháp đẩy mạnh quan hệ hai nước. Chính vì vậy, trong chương trình chuyến thăm, dự kiến, ngoài cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Thượng viện Bỉ sẽ chào Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đi thăm và làm việc tại một số địa phương, khảo sát tình hình thực tế một số dự án hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Bỉ.
Nhân đây tôi cũng nhấn mạnh rằng, trong những năm vừa qua, Bỉ là một đối tác hợp tác phát triển rất lớn của Việt Nam. Trong quá trình hợp tác này, Bỉ đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 300 triệu USD và tập trung chủ yếu trong giai đoạn từ năm 1993 đến nay, nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Bỉ có thế mạnh. Đây là nguồn lực hết sức có ý nghĩa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ về những nội dung hợp tác góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, sự phối hợp trên trường quốc tế, tại các diễn đàn đa phương?
Đây là chuyến thăm tiếp nối chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Bỉ vào năm 2021 trong bối cảnh hết sức đặc biệt.
Với vị trí quan trọng tại EU và trên thế giới, chúng ta mong muốn tăng cường quan hệ với Bỉ. Tại các diễn đàn quốc tế, Bỉ và Việt Nam phối hợp khá chặt chẽ, nhất là trong nhiệm kỳ gần đây khi hai nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hiện nay, hai nước cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Một trong những nội dung quan trọng chính là việc phối hợp tại các diễn đàn đa phương, trong đó có các diễn đàn của Liên hợp quốc.
Chúng ta cũng rất quan tâm đến các nội dung hợp tác về kinh tế, thương mại. Sau khoảng 3 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung đã tăng trưởng một cách tích cực. Bỉ là một trong một trong những cửa ngõ hết sức quan trọng và cũng là thành viên tích cực ủng hộ cho EVFTA.
Hiện nay, còn một số nội dung Việt Nam mong muốn thúc đẩy Nghị viện Bỉ nhanh chóng phê chuẩn để Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) sớm đi vào thực thi, bảo đảm lợi ích cũng như sự tiếp cận của doanh nghiệp, người dân EU và Việt Nam, nhất là các nhà đầu tư của hai bên.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn Bỉ ủng hộ để Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam (IUU) có tính tới thực tiễn cũng như cam kết phát triển bền vững của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông.