Ông Tom Corrie - Tham tán thứ nhất Phái đoàn EU phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: MCMV) |
Tham dự Hội thảo có đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Sở Ngoại vụ, đại diện Uỷ ban Y tế Hà Lan-Việt Nam, các doanh nghiệp ngành lâm sản trong và ngoài nước và đại diện UBND các xã tham gia dự án.
Dự án PROSPER được EU và MCNV tài trợ với tổng ngân sách 800.000 Euro, được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2023) nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa nhóm hộ gia đình chủ rừng và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin Dự án đến các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chủ rừng. Trên cơ sở đó, các bên liên quan cùng đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai dự án một cách hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tom Corrie - Tham tán thứ nhất, Phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định: “Sự kiện được diễn ra vào một thời điểm lý tưởng khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được hai bên phê chuẩn, trong khi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản của chúng ta được thực thi từ hơn một năm nay".
Ông Tom Corrie cũng nhấn mạnh: “PROSPER hội tụ những mối quan tâm của EU tại Việt Nam trên nhiều phương diện như môi trường, thương mại, phát triển bền vững. Được triển khai tại Quảng Trị, những sáng kiến trong khuôn khổ dự án sẽ vô cùng cần thiết khi đặt trong bối cảnh rộng hơn của đất nước Việt Nam - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và đối mặt với nguy cơ cao về nạn phá rừng”.
Tại Việt Nam, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là một trong năm lĩnh vực của Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. Quản lý tài nguyên bền vững đòi hỏi phải có sự cam kết và năng lực của cộng đồng trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các kế hoạch sử dụng đất và rừng. Quảng Trị là địa phương tiên phong trong việc huy động các chủ rừng hộ gia đình và hợp tác xã tham gia trồng rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC®. Năm 2014, Hội CCR Quảng Trị đã trở thành tổ chức đầu tiên tại Việt Nam đại diện cho chủ rừng hộ gia đình và hợp tác xã tham gia trồng rừng, được công nhận tư cách pháp nhân và có chứng nhận chứng chỉ rừng FSC®.
Ông Phạm Dũng - Giám đốc quốc gia MCNV tại Hội thảo. (Nguồn: MCNV) |
Phát huy lợi thế trên, Dự án PROSPER sẽ được thực hiện thông qua phát triển năng lực Hội CCR với trọng tâm hỗ trợ xây dựng năng lực về quản lý rừng bền vững; thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ rừng trồng FSC® và lâm sản ngoài gỗ cho nhóm chủ rừng là hộ gia đình, hợp tác xã tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận FSC® và cộng đồng, hộ gia đình tham gia quản lý bền vững rừng tự nhiên.
Dự kiến sẽ có 60 chi hội/nhóm của khoảng 3.000 nông dân là chủ rừng hộ gia đình, hợp tác xã và cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị được hưởng lợi từ Dự án. Sau 3 năm thực hiện, dự án sẽ tăng thêm 1.500 hectares rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC® và 600 ha rừng tự nhiên thực hiện quản lý rừng bền vững.
Theo ông Phạm Dũng - Giám đốc quốc gia MCNV, Quảng Trị là địa bàn hợp tác chiến lược của MCNV, nơi tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tiên từ năm 1968 và luôn là tỉnh có Dự án trọng điểm của MCNV từ đó tới nay. Gần 15 năm qua, bên cạnh y tế, MCNV đã mở rộng hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực phát triển khác như hoà nhập xã hội, phát triển sinh kế.
“Với dự án PROSPER – tên viết tắt tiếng Anh có ý nghĩa “Thịnh Vượng”, chúng ta mong đợi Dự án sẽ góp phần tạo ra sự thịnh vượng cho người dân – chủ hộ rừng, sự phồn vinh cho các doanh nghiệp đối tác, đem lại sự trù phú cho màu xanh của rừng Quảng Trị và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển bền vững của tỉnh”, ông Phạm Dũng nói.