Nhỏ Bình thường Lớn

Thúc đẩy triển khai ứng dụng chữ ký số

Một hội thảo với chủ đề “Hiện trạng và kế hoạch thúc đẩy triển khai ứng dụng chữ ký số” vừa được Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức tại Hà Nội nhằm hướng dẫn các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức triển khai hệ thống chứng thực điện tử.
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo hướng tới việc nắm bắt và đánh giá lại hiện trạng triển khai chữ ký số tại Việt Nam nói chung và trong các cơ quan Đảng và Nhà nước nói riêng, những thuận lợi và khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ cho công tác ứng dụng và triển khai chữ ký số; thúc đẩy mạnh việc ứng dụng và triển khai chữ ký số trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; nâng cao nhận thức về vai trò của chữ ký số trong việc đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử phục vụ hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước; phổ biến thông tin về hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, quy trình cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc ứng dụng và triển khai chữ ký số…

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định, chữ ký số được công nhận là giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử. Qua cuộc hội thảo, sẽ có được bức tranh toàn cảnh về hiện trạng ứng dụng chữ ký số hiện nay cũng như yêu cầu thực tế phát triển ứng dụng chữ ký số và thấy rõ hơn những thuận lợi và khó khăn khi triển khai vào thực tế. Đây là những nội dung quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và Bộ TT&TT xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng khóa công khai, xây dựng chính sách hỗ trợ ứng dụng chữ ký số, cũng như xây dựng các hướng dẫn chi tiết để đưa chữ ký số vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Theo các diễn giả, việc ứng dụng chữ ký số đem lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp như: Tiết kiệm thời gian luân chuyển, chi phí giấy tờ trong hoạt động quản lý công văn, thư điện tử, góp phần đẩy nhanh các giao dịch điện tử đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc ứng dụng chữ ký số vẫn còn khá “khiêm tốn”.

 

Xung quanh Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận và giải đáp các vấn đề liên quan về pháp lý, quy trình, thủ tục, công nghệ và kinh nghiệm triển khai ứng dụng chữ ký số ở một số cơ quan Đảng và Nhà nước.

 

K.G