Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Nguồn: California 18) |
Bà Baerbock cho biết, chính phủ Đức đã nói với Canada rằng, nếu tuabin thuộc đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 của của Nga bị mắc kẹt ở Montreal không được trả lại, dẫn đến việc ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga, nó có thể châm ngòi cho các cuộc bạo loạn và buộc Berlin phải ngừng hỗ trợ Ukraine.
Tuy nhiên, tờ Globe and Mail dẫn lời Đại sứ Đức tại Canada Sabine Sparwasser cho biết, Đức chưa bao giờ đe dọa Canada về việc rút viện trợ cho Ukraine.
Theo bà, Đức rất ủng hộ Kiev nhưng lo ngại về nguồn cung khí đốt cho mùa Đông khó khăn sắp đến và nước này cùng các nước châu Âu đang nỗ lực để loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga nhưng không muốn các dòng khí đốt bị "cắt đứt ngay lập tức", để duy trì hoạt động của nền kinh tế trong ngắn hạn.
Tháng trước, Nga viện dẫn việc chậm trả lại tuabin mà Siemens Energy gửi đi bảo dưỡng tại Canada, là lý do đằng sau quyết định giảm nguồn cung khí tự nhiên qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 40% công suất.
Chính phủ của Thủ tướng Trudeau cuối cùng đã đồng ý cho phép tiếp tục sửa chữa các tuabin khí do Nga sở hữu trong tối đa 2 năm, đồng thời cho phép nhập khẩu và tái xuất tối đa 6 chiếc.
Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) đã cấp cho Tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đức Siemens Energy quyền miễn trừ trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt Nga của Canada.
Điều này cho phép Siemens Energy gửi các tuabin từ Dòng chảy phương Bắc 1 - hệ thống đường ống do Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga kiểm soát - đến các cơ sở của Siemens Canada ở Montreal để định kỳ bảo dưỡng và sửa chữa.
Tuy nhiên, tuabin này đến nay vẫn chưa được đưa trở lại Nga. Ngày 20/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Canada trì hoãn việc trả lại tuabin bởi "Ottawa khai thác dầu mỏ và khí đốt và có kế hoạch thâm nhập thị trường châu Âu”.