TIN LIÊN QUAN | |
Người biến đổi gene sẽ sớm xuất hiện | |
Có thể đảo ngược quá trình lão hóa? |
Thưa Giáo sư, không ít người tiêu dùng Việt đã và đang trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng thực phẩm biến đổi gene trong các bữa ăn hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết. Theo ông, có cách nào để người tiêu dùng nhận biết những thực phẩm biến đổi gene hay không?
Trực tiếp sử dụng thì rất ít, nhưng gián tiếp sử dụng như ăn thịt lợn, gà, bò nuôi bằng ngô, đậu tương có biến đổi gene là có thật. Hiện nay, chúng ta chỉ cho trồng duy nhất ngô biến đổi gene kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ nhưng lại nhập nhiều sản phẩm biến đổi gene. Đơn cử, năm 2015 chúng ta nhập khoảng 7,6 triệu tấn ngô, khoảng 5 triệu tấn đậu tương và sản phẩm từ đậu tương. Trong số các sản phẩm nhập này, một lượng không nhỏ là biến đổi gene.
Theo thống kê của tổ chức ISAAA năm 2015, 82% diện tích đậu tương trên thế giới trồng giống biến đổi gene, đối với ngô là 30%. Những nước có năng lực sản xuất lớn và là nước xuất khẩu chủ yếu trên thế giới như Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada có diện tích ngô và đậu tương biến đổi gene chiếm đến trên 90%.
Như vậy, sản xuất và sử dụng sản phẩm biến đổi gene đã trở nên phổ biến ở nhiều nước. Thứ hai, các nước này sản xuất cho nhu cầu tiêu dùng của chính họ và một phần cho xuất khẩu. Trong đó, các sản phẩm ngô và đậu tương ở các nước này chủ yếu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Chúng ta nhập về cũng chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi mà thôi.
Dù đã có rất nhiều nghiên cứu nhưng những cây ngũ cốc quan trọng sử dụng làm thức ăn cho người như lúa, lúa mì đều chưa có giống biến đổi gene đưa vào sản xuất.
GIáo sư Lê Huy Hàm. (Nguồn: VnExpress) |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm biến đổi gene tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh dị ứng và một số tác động khác ở người có cơ địa nhạy cảm. Vậy, việc kiểm định an toàn, quy chế quản lý và dán nhãn thực phẩm biến đổi gene cũng là nhu cầu cấp thiết phải không, thưa Giáo sư?
Thực tế, con người chính thức sử dụng cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gene từ 1996, đến nay đã hơn 20 năm. Một số nước châu Mỹ đã sử dụng cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gene như nguồn ngũ cốc chính cho các mục đích của họ.
Trên thế giới cũng chưa ghi nhận trường hợp nào gây bất lợi cho sức khỏe con người, vật nuôi do thực phẩm biến đổi gene gây ra. Các tổ chức quốc tế như Y tế thế giới (WHO), FAO, cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) hay các viện Hàn Lâm khoa học các nước rất quan tâm theo dõi vấn đề này.
Việc kiểm định tính an toàn của sản phẩm biến đổi gene là bắt buộc trong tất cả mọi trường hợp. Trên thế giới cũng đã hình thành một bộ quy chế để đánh giá tính an toàn của các sản phẩm biến đổi gene. Đó là hệ thống quy chế nghiêm ngặt tuần tự bắt đầu từ việc đánh giá nguồn gene đến quá trình thiết kế và chuyển gene. Sau đó mới đến đánh giá sản phẩm trong phòng thí nghiệm, đánh giá trong nhà lưới nhà kính, đánh giá trong khuôn viên của trại thí nghiệm, rồi mới đánh giá trên đồng ruộng. Trong suốt các quá trình đó, những cơ quan chịu trách nhiềm về an toàn sinh học của các cấp, các bộ đều tham gia và đưa ra quyết định cuối cùng.
Ở Việt Nam, quy chế của chúng ta quy định sản phẩm biến đổi gene chỉ được chấp nhận đưa ra xem xét cho sử dụng nếu 5 nước phát triển đã cho phép sử dụng sản phẩm đó với cùng mục đích.
Chúng ta cũng đã có quy chế quy định dán nhãn thực phẩm biến đổi gene, nếu hàm lượng phần biến đổi gene vượt quá 5%. Việc dán nhãn này là để đáp ứng quyền lợi của người tiêu dùng được quyền biết mình đang sử dụng gì chứ không có liên quan đến vấn đề an toàn hay không an toàn.
Thưa Giáo sư, dù muốn hay không chúng ta đều phải sử dụng thực phẩm biến đổi gene hàng ngày. Ông có thể nói cụ thể thế nào là thực phẩm biến đổi gene an toàn theo tiêu chuẩn của WHO?
Theo quy định quốc tế, thực phẩm biến đổi gene được coi là an toàn nếu có thành phần hóa học tương đương với sản phẩm truyền thống cùng loại đã được sử dụng an toàn.
Một số loại thực phẩm biến đổi gene. (Nguồn: Eye Witness News) |
Cũng có ý kiến cho rằng nếu đem cây biến đổi gene về Việt Nam trồng sẽ ảnh hưởng đến môi trường cũng như các cây trồng khác. Quan điểm của ông về sự lo lắng này?
Thế giới đã trồng cây biến đổi gene từ 1996, đến nay đã được hơn 20 năm. Có những nước đã trồng đến gần 100% diện tích của mình từ nhiều năm. Chúng ta cũng chưa chứng kiến nước nào sau một thời gian trồng cây biến đổi gene rồi lại thôi do các ảnh hưởng môi trường hay đa dạng sinh học. Những nước này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm mà chúng ta có thể nghiên cứu để áp dụng vào trong điều kiện của Việt Nam nhằm khai thác tối đa lợi ích của công nghệ.
Nhưng dù sao, người tiêu dùng vẫn khá hoang mang, thờ ơ và quay lưng với thực phẩm biến đổi gene?
Người dân không hoang mang sao được khi trên mạng liên tục có những câu chuyện về sản phẩm biến đổi gene gây dị ứng, gây ung thư. Mà chúng ta đã biết, những thông tin trái chiều kiểu ấy thường hấp dẫn hơn và lan tỏa nhanh hơn. Vì vậy, tôi nghĩ rất cần đưa sự thật khoa học đến với công chúng để người dân có cơ sở để tự lựa chọn cho mình. Ở đây, vai trò của phương tiện thông tin đại chúng rất quan trọng.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo thống kê của tổ chức ISAAA, đến 8/2016 đã có 40 nước phê duyệt cho sử dụng sản phẩm biến đổi gene làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Con số các giống biến đổi gene được phê duyệt làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi theo các nước như sau: Nhật Bản (221 giống), Hoa Kỳ (192 giống), Canada (170 giống), Hàn Quốc (147 giống), Đài Loan (Trung Quốc) (123 giống), Australia (117 giống), New Zealand (95 giống), Philippines và EU (88 giống); Trung Quốc (60 giống), Singapore (24 giống), Malaysia (29 giống), Nga (23 giống), Ấn Độ (11 giống), Thái Lan (15 giống), Indonesia (18 giống), Việt Nam đã phê duyệt cho sử dụng 20 giống. |
Cây đột biến gene có thể cứu con người khỏi biến đổi khí hậu Các nhà nghiên cứu Đức đang tìm cách để giảm lượng khí CO2 có hại trong khí quyển bằng cách biến đổi gene một số ... |
Mỹ ban hành luật yêu cầu dán nhãn thực phẩm biến đổi gene Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký ban hành đạo luật liên bang đầu tiên về việc yêu cầu dán nhãn thực phẩm có chứa ... |
Thực phẩm biến đổi gene không gây nguy hại cho sức khỏe? Theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ), thực phẩm biến đổi gene không gây ra nguy cơ về sức khỏe hoặc môi trường. |