Áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá. (Nguồn: VOV) |
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đều chung nhận định, cần thiết phải ban hành Nghị quyết về vấn đề áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Mở ra cơ hội mới
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu eEuro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất.
Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đánh thuế vào năm 2024. Việt Nam cũng có kế hoạch áp thuế này cùng thời điểm.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước, cam kết quốc tế và không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp thuế tức từ bỏ quyền định thuế và doanh nghiệp sẽ nộp bổ sung về chính quốc - nơi họ đặt trụ sở chính công ty mẹ.
Việc áp thuế này sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được Chính phủ Việt Nam xây dựng và đề nghị áp dụng từ đầu 2024 gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IRR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT).
Qua rà soát của Tổng cục thuế (Bộ Tài chính), có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng trong năm sau.
Khi Việt Nam áp dụng IRR với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có doanh thu hợp nhất tối thiếu 750 triệu Euro và thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của công ty thành viên ở nước khác thấp hơn mức tối thiểu (15%), thì sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung từ những đơn vị này.
Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết. Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu, như vậy, sẽ mất khoản thuế khoảng 14.600 tỷ đồng.
Ông Vũ Tuấn Anh nhấn định: "Bản chất của thu thuế tối thiểu toàn cầu là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, họ sẽ phải nộp thêm khoản thuế bổ sung để đủ mức 15% theo quy định của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tức là ưu đãi về thuế cho số doanh nghiệp này sẽ bị giảm đi so với trước.
Do đó, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư. Các chính sách này hiện chưa được Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội".
Có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. (Nguồn: Vietnamnet) |
Để triển khai thuế tối thiểu toàn cầu thành công
Trao đổi với phóng viên TG&VN, GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam cho rằng, ở Đức, thuế tối thiểu toàn cầu thường được nhìn nhận một cách tích cực.
GS. TS. Andreas Stoffers nhấn mạnh: "Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hy vọng, một loại thuế như vậy sẽ giúp chống lại các thiên đường thuế và né tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Hầu hết các chính trị gia Đức đều ủng hộ dự án, vì thuế này có thể giúp các tập đoàn đa quốc gia trả phần thuế hợp lý của họ và do đó mang lại nhiều tiền hơn cho kho bạc công".
Ngày 10/11 vừa qua, Quốc hội Liên bang Đức đã chính thức thông qua dự luật Nghị định của EU về thuế tối thiểu toàn cầu do Chính phủ liên bang đệ trình. Chính phủ liên bang Đức cho biết, mục đích của luật là nhằm thực hiện các yếu tố trọng tâm của các thỏa thuận quốc tế để “chống cạnh tranh thuế và lập kế hoạch thuế chủ động, từ đó góp phần thúc đẩy công bằng thuế và cạnh tranh bình đẳng”.
Tại Việt Nam, GS. TS. Andreas Stoffers nhận thấy, Chính phủ đã thấy rõ nhu cầu cấp thiết phải hành động và bắt đầu các bước nghiên cứu chi tiết về quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) thành lập một nhóm công tác gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để tham vấn với Chính phủ.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Có một thực tế là nếu Việt Nam triển khai thuế thu nhập toàn cầu quá chậm thì có thể dẫn đến những bất lợi cho đất nước. Một mặt, Việt Nam sẽ không nhận được mức chênh lệch thuế 8% từ hơn 100 công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đủ điều kiện áp dụng mức thuế này. Số tiền này tương đương với vài tỷ đô la Mỹ hàng năm cho ngân sách quốc gia của Việt Nam.
Mặt khác, môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy định thuế mới này".
Để triển khai thuế tối thiểu toàn cầu thành công, GS. TS. Andreas Stoffers nhận định, Việt Nam cần trao đổi ý tưởng và bài học thành công với các quốc gia khác. Không chỉ xem xét các cách tiếp cận và kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây, mà còn của các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực ASEAN.
GS. TS. Andreas Stoffer khẳng định: "Thuế tối thiểu toàn cầu là một thách thức rất lớn nhưng cũng mang đến cơ hội mới cho Việt Nam. Trốn thuế, chuyển giá từng là vấn đề nhức nhối trong quá khứ. Bây giờ, những điều này phải được giải quyết trong bối cảnh thảo luận về việc thực hiện pháp lý các cơ chế cho loại thuế toàn cầu này.
Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn mang lại nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư. Bên cạnh cải cách thuế liên quan đến thuế này, các vấn đề khác của đất nước cũng cần được giải quyết mạnh mẽ, bao gồm vấn đề tuân thủ, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, năng suất lao động, giáo dục và kỹ năng.
Theo quan điểm của tôi, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội quan trọng này để xem xét việc sử dụng các ưu đãi thuế và cải thiện khung chính sách đầu tư. Từ đó, tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trong dài hạn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đa quốc gia".