📞

Thượng đỉnh EC: Trong không ấm, ngoài không êm

09:08 | 13/03/2017
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh môi trường địa - chính trị xung quanh Liên minh châu Âu (EU) có nhiều diễn biến khó lường, nội bộ EU cũng đang có những dấu hiệu phân rã.

Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Hội đồng châu Âu (EC), trước đây gọi là Thượng đỉnh EU, trong năm 2017 diễn ra tại Brussels (Bỉ), từ ngày 9-10/3.

Tình hình nhiều khó khăn

Hiện nay, trong lúc Anh chuẩn bị kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon và khởi động các cuộc đàm phán về Brexit, EU cần chuẩn bị rất nhiều điều kiện tài chính, pháp lý và cả tinh thần cho cuộc "ly hôn" đầy phức tạp này. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề nội bộ trở nên nghiêm trọng và làm suy yếu EU như vấn đề nhập cư, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và những nghi ngờ về mức độ liên kết, hội nhập cũng như chính tương lai của Liên minh. 

Chính vì vậy, ngay trước thềm  cuộc họp Thượng đỉnh EC lần này đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU “mini” do Pháp chủ trì gồm 4 nước EU nòng cốt là Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha, trong đó các nhà lãnh đạo này đã công khai ủng hộ ý tưởng một châu Âu liên kết “nhiều tốc độ” và việc tăng ngân sách phòng thủ để “tự phòng thân”.

Trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: CLEPA)

Một nhân tố khác đang ảnh hưởng đến tình hình châu Âu là sự thắng cử của Tổng thống Donald Trump và các tác động nghịch từ chính sách mới của Mỹ. Kể từ khi ra đời cách đây 60 năm, EU và các thiết chế tiền thân của mình chưa bao giờ chứng kiến sự “đảo chiều” đột ngột trong chính sách đối ngoại và cam kết an ninh của Mỹ đến như vậy, từ thiên hướng xích lại gần Nga, đến nhận định rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lỗi thời, ủng hộ Brexit và các phong trào dân túy. Trong khi đó, mối lo ngại của EU về nguy cơ an ninh từ Nga ngày càng tăng, còn tình tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông và châu Phi chưa có dấu hiệu suy giảm.

Ba chủ đề nóng

Tại cuộc họp thượng đỉnh EC lần này, ngoài việc bàn một số vấn đề mang tính nghi lễ như bầu chức Chủ tịch cho nhiệm kỳ 1/6/2017-30/11/2019, chính sách thương mại, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, thành lập Văn phòng Công tố châu Âu... chương trình nghị sự chính của cuộc họp này xoay quanh ba chủ đề nóng. 

Một là, các nhà lãnh đạo EU thảo luận các quyết định về an ninh-quốc phòng và các vấn đề nội khối được đưa ra từ cuộc họp thượng đỉnh 12/2016, trong bối cảnh Anh sắp khởi động Brexit và chủ nghĩa khủng bố nổi lên ở nhiều nơi.

Hiện nay, nhiều nước EU là thành viên NATO không thực hiện đúng cam kết dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, trong khi sức ép đòi chia sẻ gánh nặng từ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump ngày một gia tăng. Mặt khác, cơ chế ra quyết sách hiện nay với việc 27 nước thành viên có vai trò, tiếng nói gần như tương đương khiến EU hầu như rơi vào tình trạng bế tắc trong việc đưa ra quyết sách cho nhiều vấn đề hệ trọng. Một trong những giải pháp đang được đề cập đến nhiều nhất là một “EU nhiều tốc độ", nhằm tái tổ chức các thiết chế để EU hình thành các nhóm thành viên phù hợp với trình độ phát triển, mức độ và khả năng cam kết.

Hai là, EU chuẩn bị cho các cuộc đàm phán giữa Liên minh và Anh trong vấn đề Brexit, bao gồm việc giải quyết các tranh chấp về tài chính, các thể chế, đóng góp ngân sách, quyền của công dân Anh và EU, nghĩa vụ quốc tế của Anh, cũng như định hướng các khuôn khổ hợp tác trong tương lai giữa Anh và EU.

Ba là, EU đi tìm lời giải thỏa đáng cho câu chuyện khủng hoảng di cư. Trước 2015, mối lo ngại hàng đầu của EU là kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, khi triển vọng chung về tăng trưởng, việc làm và tài chính công của Liên minh đang trên đà tốt hơn, mối lo ngại hàng đầu hiện nay là vấn đề nhập cư và khủng bố. Hội nghị xem xét các chính sách và thực hiện các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức Malta (3/2/2017), đặc biệt là Tuyên bố Malta về các khía cạnh bên ngoài của di cư.

Liên kết mạnh hơn và cao hơn

Cả ba vấn đề nói trên đều khó giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ là nếu không có giải pháp xử lý nhanh và thỏa đáng cho các vấn đề đã tích tụ này thì lại càng khiến bất bình ngày một tăng, từ đó thúc đẩy thêm xu hướng ly khai làm suy yếu EU từ bên trong.

Dù vậy, qua cuộc họp thượng đỉnh lần này, các nước EU sẽ tìm cách tái khẳng định sự đoàn kết, thống nhất, sức mạnh tập thể; định hình chiến lược và cấu trúc lại EU giúp cho Liên minh đối phó có hiệu quả hơn các thách thức trong - ngoài trong bối cảnh mới; đồng thời, làm tăng thêm niềm tin về các giá trị cốt lõi của EU như tự do, nhân đạo và tôn trọng quyền con người.

Kể từ khi ra đời tại Rome cách đây gần 6 thập kỷ vào ngày 25/3/1957, mặc dù trải qua nhiều bước phát triển thăng trầm, biến đổi thể chế, nhưng nhìn chung EU đã thành công trong việc duy trì và mở rộng khu vực ban đầu chỉ gồm 6 quốc gia sang thành liên minh kinh tế hùng mạnh với 27 thành viên hiện nay.

Tuy nhiên, thời gian tới sẽ là giai đoạn với những thử thách mới đầy cam go, không có bản lộ trình vạch sẵn. Và dường như EU đã có câu trả lời cho sự chọn lựa đi vào tương lai của mình. Đó là liên kết mạnh hơn, cao hơn để tồn tại và phát triển.