Neil Armstrong năm 1969. |
Nhắc đến cái tên Neil Armstrong là mọi người sẽ nhớ đến khoảnh khắc kỳ diệu của ngày 20/7/1969 khi hơn 500 triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới (khoảng 1/5 dân số toàn cầu lúc bấy giờ) đã chứng kiến phi thuyền Apollo 11 đáp xuống Mặt trăng. Là chỉ huy con tàu vũ trụ Apollo 11 với sứ mệnh chinh phục “chị Hằng”, Neil Armstrong và đồng nghiệp Aldrin đã có gần 3 giờ đi bộ trên Mặt trăng, thu thập các mẫu vật và chụp ảnh lại. Trước khi trở lại phi thuyền, Armstrong đã cắm quốc kỳ Mỹ cùng tấm biển, trên đó ghi: "Tại đây, những người đến từ Trái Đất lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào tháng 7/1969 sau Công nguyên. Chúng tôi đến vì hòa bình cho toàn nhân loại". Trong phút giây hạnh phúc đó, ông cũng "ghi vào sử sách" câu nói nổi tiếng: "một bước đi ngắn của một người, một bước nhảy vọt của nhân loại". Ở thời điểm lịch sử, ông hoàn toàn ý thức rằng dấu chân của ông là thành quả vĩ đại của cả nhân loại. Và sứ mệnh lớn lao ấy ngay lập tức biến Armstrong thành người hùng trong bối cảnh cuộc đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô đang lên đến đỉnh điểm.
Sinh ra tại bang Ohio, Armstrong từ nhỏ đã mê máy bay. Ước mơ làm phi công đã đến với Armstrong lúc mới 6 tuổi, ngay sau lần đầu được đi máy bay với cha. Theo Reuters, năm 16 tuổi, Armstrong đã có bằng lái máy bay trước khi có bằng lái xe hơi. Luôn thích tìm tòi, Armstrong theo học kỹ thuật hàng không tại ĐH Purdue, rồi phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ từ năm 1949. Thời gian này, Armstrong đã có "thực tế" khi làm phi công tham chiến ở Triều Tiên. Hết chiến tranh, ông lại về Mỹ và học tiếp thạc sĩ tại ĐH Nam California.
Có chuyên sâu, năm 1955, Neil Armstrong vào làm việc tại Ủy ban Tư vấn quốc gia về Hàng không (NACA) - tiền thân của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Tại đây, ông đã lái thử nghiệm tới khoảng 200 loại máy bay khác nhau. Song phải mãi tới năm 1962, Armstrong mới chính thức vào NASA và có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ trên phi thuyền Gemini 8 năm 1966, trở thành công dân Mỹ đầu tiên bay vào không gian.
Apollo 11 là chuyến du hành vũ trụ vinh quang nhất, nhưng cũng là chuyến đi cuối cùng của trong sự nghiệp của Neil Armstrong. Năm 1971, phi hành gia nổi tiếng này rời NASA, chuyển sang giảng dạy kỹ thuật hàng không vũ trụ tại ĐH Cincinnati trong gần một thập kỷ, rồi làm lãnh đạo ở nhiều hãng hàng không như Lear Jet, United Airlines...
Trong suốt sự nghiệp của mình, Armstrong đã trải qua nhiều cương vị, từ kỹ sư, phi công lái thử cho đến phi hành gia và nhà quản trị. Dù ở cương vị nào, theo đồng nghiệp và người thân, Armstrong đều làm như đã nói: "Tôi hiện là, và mãi mãi vẫn sẽ là, một kỹ sư miệt mài công việc".
Dù tên tuổi đã được khắc ghi vào lịch sử, nhưng Armstrong là một người khiêm tốn và giản dị. Năm 1999, ông cùng với hai phi hành gia chung sứ mệnh trên tàu Apollo 11 là Aldrin và Collins đã được nhận Huân chương Langley vì những đóng góp cho ngành hàng không Mỹ. Tháng 11/2011, ông cũng được Quốc hội Mỹ trao tặng Huân chương Vàng, phần thưởng dân sự cao quý nhất ở đất nước này. Nhưng do không thích trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông, nên ông rất ít khi xuất hiện trước công chúng, hoặc nếu có thì cũng chỉ phát biểu vô cùng ngắn gọn và hầu như không đề cập đến vinh dự từng được bước đi trên Mặt trăng. Nói chung, "ông ấy không thích các buổi phỏng vấn, nhưng không phải là người khác thường hay khó nói chuyện", Ron Huston, một đồng nghiệp tại ĐH Cincinnati cho biết. "Ông ấy đơn giản là không muốn trở thành người nổi tiếng".
Trước sự ra đi của Neil Armstrong, Tổng thống Obama đã gọi ông “là một trong những anh hùng vĩ đại nhất nước Mỹ, người đã truyền cảm hứng cho cả thế hệ khao khát khám phá những điều chưa biết". Giám đốc Viện Vũ trụ Smithsonian Roger Launius cũng bày tỏ: "Hàng trăm năm sau, khi con người nhìn lại, có 2 sự kiện lịch sử sẽ được nhớ mãi trong thế kỷ 20 là vụ hạ cánh xuống Mặt trăng và quả bom nguyên tử đầu tiên"... Còn theo NBC , giản dị và chân thành, gia đình Armstrong nhắn gửi: "Lần tới, khi bạn ra khỏi nhà vào một buổi tối đẹp trời và trông thấy Mặt trăng mỉm cười với bạn, hãy nghĩ đến Neil và tặng ông ấy một cái nháy mắt".
Phương Vân