Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 diễn ra từ ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil. (Nguồn: G20.org) |
Mặc dù bị chi phối bởi sự phân hóa trong một số vấn đề địa chính trị, nhưng các nhà lãnh đạo G20 vẫn đạt được một số thỏa thuận quan trọng, bao gồm việc tăng thuế đối với giới siêu giàu, hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Với tham vọng "Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững", Thượng đỉnh Rio de Janeiro đã quy tụ các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Italy, Pháp… để bàn về những thách thức toàn cầu từ chống đói nghèo, cải cách quản trị toàn cầu, đánh thuế giới siêu giàu đến thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Hội nghị lần này còn có sự tham dự lần đầu tiên của Liên minh châu Phi (AU) với tư cách thành viên chính thức.
Đánh thuế công bằng hơn
Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị là cam kết hợp tác để đảm bảo những người siêu giàu sẽ bị đánh thuế công bằng hơn. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định sẽ xây dựng các cơ chế chống “lách thuế” hiệu quả và thúc đẩy việc thu thuế đối với những người có tài sản lớn.
Đánh thuế giới siêu giàu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Brazil trong vai trò Chủ tịch G20 năm 2024. Hồi tháng Hai, nước chủ nhà Brazil đã đề xuất đánh thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với khoảng 3.000 người giàu nhất thế giới có tài sản vượt quá 1 tỷ USD nhằm thu hẹp bất bình đẳng.
Đề xuất trên được Brazil đưa ra sau khi quốc gia Mỹ Latinh này ủy quyền cho nhà kinh tế người Pháp, chuyên gia về bất bình đẳng Gabriel Zucman thực hiện nghiên cứu về tác động của mức thuế tối thiểu toàn cầu dành cho tỷ phú.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các tỷ phú hiện đang đóng mức thuế chỉ tương đương 0,3% tài sản của họ. Nếu áp dụng mức thuế tối thiểu 2%, thế giới sẽ huy động được khoảng 200-250 tỷ USD mỗi năm từ khoảng 3.000 cá nhân có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên. Số tiền này có thể tài trợ cho các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các thành viên G20 đã không thể đạt được đồng thuận về việc áp dụng mức thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với giới siêu giàu như lời kêu gọi của Brazil. Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia và AU ủng hộ đề xuất này, trong khi Mỹ và Đức phản đối.
Theo báo cáo của Oxfam International, tài sản của 1% người giàu nhất hành tinh đã tăng thêm 42.000 tỷ USD trong thập kỷ qua, gấp gần 36 lần tổng tài sản của một nửa dân số nghèo trên khắp thế giới. Các nước G20 là nơi tập trung gần 80% số lượng tỷ phú toàn cầu.
Tính toán của Oxfam International cho thấy, tại các nước G20, trong mỗi USD tiền thuế thu của tỷ phú có chưa tới 8 cent là thuế tài sản. “Sự bất bình đẳng đã đạt đến mức độ gây chấn động. Nhóm 1% người giàu nhất đang tiếp tục lấp đầy ví tiền của mình, trong khi phần còn lại phải vật lộn với cuộc sống".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn: VGP) |
Tài chính cho biến đổi khí hậu
Đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một trong những điểm nóng tại Hội nghị G20 lần này, cũng đạt được những tiến triển nhất định, dù các nhà lãnh đạo chưa thể đưa ra cam kết rõ ràng về tài trợ cho các quốc gia đang phát triển, nhằm tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Tuyên bố chung của G20 ghi nhận nguồn tài chính cần thiết sẽ đến từ “tất cả các nguồn lực”, nhưng không nêu rõ cách thức phân bổ nguồn tiền.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Azerbaijan về tài trợ khí hậu vẫn đang bế tắc, do bất đồng giữa các quốc gia phát triển và các nền kinh tế mới nổi về nguồn đóng góp tài chính và mức độ đóng góp. Ngoài tài chính, khí hậu, G20 cũng kêu gọi giảm dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, song không đề cập việc chấm dứt hoàn toàn sử dụng loại nhiên liệu này.
Cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza và xung đột ở Ukraine cũng được nhắc đến trong tuyên bố chung của G20, với cam kết mạnh mẽ về việc thúc đẩy ngừng bắn và bảo vệ dân thường. G20 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình nhân đạo thảm khốc tại Gaza và kêu gọi các cuộc ngừng bắn toàn diện tại Gaza và Lebanon.
Nỗ lực cho cuộc chiến chống đói nghèo
Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng đạt được bước tiến nhất định trong lĩnh vực chống đói nghèo. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đói đa chiều do Chương trình phát triển Liên hợp quốc, hiện nay có hơn 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình cảnh nghèo cùng cực, với hơn một nửa trong số đó là trẻ em.
Tỷ lệ nghèo đói ở các nước có chiến tranh cao gấp 3 lần. Năm 2023, khoảng 713 đến 757 triệu người phải đối mặt với nạn đói, nghĩa là cứ 11 người trên thế giới thì có 1 người đói.
Phát biểu trước thềm Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Luiz Inacio Lula da Silva kêu gọi hành động mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo G20 trong cuộc chiến chống đói nghèo nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ nạn đói cùng cực trên toàn thế giới theo thời hạn năm 2030 của Liên hợp quốc.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đạt được bước tiến nhất định trong lĩnh vực chống đói nghèo. (Nguồn: G20.org) |
Những thách thức phủ bóng
Hội nghị G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều căng thẳng địa chính trị. Sự chia rẽ giữa các nước phương Tây và các quốc gia khác, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang làm thay đổi trật tự thế giới. Tham dự Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh vai trò của Bắc Kinh trong việc đóng góp vào duy trì trật tự quốc tế và cam kết hỗ trợ các nền kinh tế Nam bán cầu, thông qua những sáng kiến hợp tác và giảm rào cản thương mại.
Ngược lại, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang có xu hướng quay về chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, với các biện pháp bảo hộ thương mại, có thể tạo ra thách thức cho hệ thống thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tới tương lai của các tổ chức đa phương và làm suy yếu các cam kết chung.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, cải cách quản trị toàn cầu vẫn đang gặp nhiều bế tắc. Các nước Nam bán cầu ngày càng đòi hỏi nhiều quyền lực hơn trong các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Liên hợp quốc. Điện Elysée bình luận: "Tổng thống Emmanuel Macron muốn tiếp tục thảo luận về vấn đề này, nhận thấy rằng hệ thống tài chính quốc tế hiện tại không còn phù hợp với thế giới ngày nay".
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sớm cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ông Ishiba Shigeru cũng cho rằng, trong bối cảnh tiến trình số hóa diễn ra nhanh chóng, việc cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một vấn đề cấp bách, nhất là cần khôi phục chức năng giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh như thế, trong tuyên bố chung kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 tái khẳng định cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh những thách thức hiện nay, từ biến đổi khí hậu đến xung đột và bất bình đẳng toàn cầu, chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác đa phương.
Đó chính là một thành công lớn của Hội nghị.
| Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc "Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa ... |
| Mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn cho quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil Với nền tảng quan hệ tốt đẹp trong hơn 3 thập kỷ qua, chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và hoạt ... |
| Bước đi lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Cùng với khủng hoảng khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, giải quyết đói nghèo, cải cách hệ thống ngân hàng…, đánh thuế giới siêu ... |
| Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh G20: Nêu bật nỗi đau do xung đột, nỗ lực vì thế giới không có vũ khí hạt nhân, nói gì về tình hình Ukraine? Ngày 19/11, trong ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 đề xuất về phát triển bền vững tại G20 Ngày 19/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên thảo luận về phát triển bền ... |