Thông qua vào ngày cuối cùng của Thượng đỉnh G7 tại Cornwall (Anh), Tuyên bố chung kêu gọi tiến hành nghiên cứu và điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, sau khi các báo cáo ban đầu cung cấp kết quả chưa thuyết phục do “sự thiếu hợp tác của Trung Quốc”.
Tuyên bố chung của Thượng đỉnh G7 đề cập đích danh Trung Quốc và Nga. (Nguồn: Getty Images) |
Đồng thời, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí chỉ trích các “vi phạm nhân quyền” của Trung Quốc. Đây là vấn đề đã được các nhà lãnh đạo trao đổi sôi nổi trong phiên thảo luận kín ngày 12/6. Theo đó, lãnh đạo Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã có lúc không đồng tình với đề xuất của Mỹ, Anh và Canada về thể hiện thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương. Tuy nhiên, sau thời gian thảo luận, dường như các nhà lãnh đạo G7 đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Tương tự, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thượng tôn luật lệ. Tuyên bố chung cũng kêu gọi thiết lập lại hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan, giải quyết các vấn đề trên cơ sở biện pháp hòa bình. Các nhà lãnh đạo cũng đặc biệt quan ngại về tình hình tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, kịch liệt phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và gây gia tăng căng thẳng.
Thượng đỉnh G7 cũng lên tiếng chỉ trích Nga đã “chứa chấp các mạng lưới” tiến hành tấn công mạng nhắm vào nhiều hệ thống an ninh – tài chính quan trọng toàn cầu. Tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia cần làm nhiều hơn để giải quyết tình trạng tội phạm trong lãnh thổ của mình.
Đề xuất này rõ ràng mang đậm dấu ấn của chính quyền Tổng thống Joe Biden, khi nhiều hệ thống bảo mật của các cơ quan, doanh nghiệp hàng đầu của nước này liên tục bị tấn công mạng trong thời gian qua, nổi bật là vụ đường ống dẫn dầu Keystone XL.