📞

Thượng đỉnh Nhật Bản-Ấn Độ: Coi trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông

Vy Anh 13:30 | 22/03/2022
Biển Đông là một trong những vấn đề được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio thảo luận trong khuôn khổ Thượng đỉnh Nhật Bản-Ấn Độ.
Biển Đông là một trong những vấn đề được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio trao đổi trong cuộc hội đàm ngày 19/3 tại New Delhi. (Nguồn: AP)

Giải quyết hòa bình tranh chấp

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio đã tiến hành hội đàm tại New Delhi, ngày 19/3.

Các chủ đề thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo bao gồm cuộc xung đột và đối đầu biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, những hành động của New Delhi trong quá trình đàm phán với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp, tầm nhìn của Nhật Bản về các hoạt động của Trung Quốc ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông, tình hình ở Myanmar và hợp tác của các nước thuộc nhóm Bộ tứ (Quad).

Tuyên bố chung của hai Thủ tướng nhấn mạnh, Ấn Độ và Nhật Bản, với tư cách là hai cường quốc hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có lợi ích chung về an ninh của tài sản hàng hải, tự do hàng hải và hàng không cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Nhật Bản có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, trong khi Ấn Độ lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông.

Hai bên tái khẳng định quyết tâm tiếp tục coi trọng vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm thúc đẩy hợp tác, trong đó có lĩnh vực an ninh hàng hải, nhằm giải quyết các vấn đề gây cản trở đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo Modi và Kishida cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế ở khu vực.

Ủng hộ vai trò ASEAN

Hai thủ tướng kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia không tham gia vào các cuộc đàm phán này.

Ấn Độ và Nhật Bản tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực cũng như hoàn toàn ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar, Ấn Độ và Nhật Bản kêu gọi chấm dứt bạo lực trên khắp Myanmar. Hai Thủ tướng tái khẳng định ủng hộ nỗ lực của ASEAN nhằm tìm ra giải pháp ở Myanmar và hoan nghênh sự tham gia tích cực của Campuchia với tư cách Chủ tịch ASEAN 2022 nhằm phá vỡ thế bế tắc.

Lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ kêu gọi Myanmar khẩn trương thực hiện Đồng thuận ASEAN gồm 5 điểm đã đạt được vào năm 2021.

Để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hai Thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác song phương và đa phương giữa các nước cùng chí hướng trong khu vực, bao gồm hợp tác 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Hai thủ tướng đồng tình rằng, Tokyo và New Delhi có nhiều khả năng hợp tác hơn trong nỗ lực triển khai Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do chính phủ Ấn Độ đưa ra năm 2019 và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở do chính phủ Nhật Bản đưa ra.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh các hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo nhóm Bộ tứ diễn ra lần lượt vào tháng 3 và tháng 9/2021.

Hai ông Modi và Kishida tái khẳng định cam kết đạt được các kết quả trong chương trình nghị sự mang tính tích cực và xây dựng mà nhóm Bộ tứ đưa ra, đặc biệt là về nỗ lực cung cấp vaccine Covid-19, hợp tác phát triển các công nghệ quan trọng và mới nổi, hành động khí hậu, điều phối cơ sở hạ tầng, an ninh mạng, không gian và giáo dục.

Trong khuôn khổ cuộc gặp Thượng đỉnh Nhật Bản-Ấn Độ lần thứ 14 diễn ra thường niên này, New Delhi và Tokyo đã đạt được một số thỏa thuận, bao gồm bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, phát triển bền vững và hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước thải.

(theo Business Standard)