📞

Thượng đỉnh Nhật-Mỹ: Phép thử dành cho Thủ tướng Suga Yoshihide

Vinh Quang 06:00 | 07/04/2021
Hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản và Mỹ được tổ chức tại Washington D.C ngày 16/4 tới sẽ là phép thử đối với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, người vốn được cho là có nhiều điểm yếu về vấn đề đối ngoại.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (trái) dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 16/4 tới tại Washington D.C. (Nguồn: AP)

Các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhật Bản với Mỹ vẫn luôn được đánh giá là có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của chính phủ Nhật Bản kể từ thời hậu chiến.

Liệu Thủ tướng Suga Yoshihide, người vừa nhậm chức vào tháng 9/2020 và tham gia Hội nghị thượng đỉnh Washington-Tokyo đầu tiên với tư cách nhà lãnh đạo Nhật Bản, sẽ đối mặt với thách thức và trọng trách này như thế nào?

Dấu vết lịch sử

Trong nửa thế kỷ qua, phần lớn Thủ tướng Nhật Bản đều chọn Mỹ là nơi công du chính thức đầu tiên ở nước ngoài.

Chuyến thăm của các nhà lãnh đạo xứ sở hoa anh đào đến Mỹ do vậy thường bị chế giễu là "sankin kotai" - còn được hiểu là nghĩa vụ luân phiên trình diện Mạc phủ đứng đầu của lãnh chúa.

Tuy nhiên, có một thực tế là, không ít Thủ tướng Nhật Bản đã củng cố quyền lực cá nhân bằng cách thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các đời Tổng thống Mỹ.

Chẳng hạn, cựu Thủ tướng Kaifu Toshiki đã trở thành người đứng đầu chính phủ Nhật Bản trong vụ bê bối cổ phiếu năm 1989.

Giống như Thủ tướng Suga Yoshihide đương nhiệm, ông Kaifu được cho là thiếu cơ sở quyền lực vững chắc trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) vì không phải là lãnh đạo đảng.

Mặc dù nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Kaifu chỉ kéo dài hơn 2 năm, nhưng ông vẫn có mối quan hệ thân cận với nhà lãnh đạo Mỹ lúc ấy là Tổng thống George H.W. Bush.

Các cuộc điện đàm thường xuyên giữa 2 nhà lãnh đạo được giới truyền thông gọi là “Bush phone".

Đến thời cựu Thủ tướng Hosokawa Morihiro thì ngược lại.

Cuộc gặp tại Washington vào tháng 2/1994 giữa ông và cựu Tổng thống Bill Clinton đã kết thúc trong sự đổ vỡ, với việc Mỹ tuyên bố các cuộc đàm phán thương mại song phương đã kết thúc.

Kết quả trên một phần được cho là do cuộc họp được tổ chức trong thời điểm khó khăn nhất của xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ.

Ông Clinton thậm chí còn đề cập nhu cầu tăng thêm giá trị đồng Yen như một "đòn ăn miếng trả miếng", là một cú đấm thẳng vào nền kinh tế vốn đang khó khăn của Tokyo khi đó.

Riêng với ông Hosokawa, tỷ lệ chấp thuận trong nội các Nhật Bản đã giảm sau Hội nghị thượng đỉnh với Washington năm 1994 và ông phải từ chức 2 tháng sau đó.

Nhận thức được những trường hợp nêu trên, đương kim Thủ tướng Suga được báo giới nhìn nhận là rất háo hức với cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản vào tháng 12/2020, nhà lãnh đạo 73 tuổi nói rằng, ông muốn đến thăm Mỹ vào tháng 2 nếu có thể.

Dù vậy, cuộc gặp có thể sẽ tiếp tuc bị trì hoãn khi Mỹ hạn chế mời các nhà lãnh đạo nước ngoài do đại dịch Covid-19.

Trước chuyến thăm của ông Suga, Thượng viện Mỹ sẽ thông qua nghị quyết lưỡng đảng nhằm tôn vinh sức mạnh của liên minh giữa Washington và Tokyo theo đề xuất của Thượng nghị sĩ William Hagerty, thành viên đảng Cộng hòa, cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản.

Trong số các Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản trong nửa thế kỷ qua, Đại sứ John Schiefer từng được bổ nhiệm vào tháng 3, còn Đại sứ Michael Mansfield và Đại sứ Michael Armacost đã nhận nhiệm vụ vào tháng 4.

Vì vậy, không loại trừ khả năng 2 bên sẽ công bố tân Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản trong cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh giữa ông Suga và ông Biden.

Củng cố quan hệ đồng minh là trọng tâm

Giới quan sát dự đoán, nhiều khả năng cuộc gặp giữa tháng 4 tới sẽ gặp một số thuận lợi.

Đầu tiên, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ là minh chứng sáng rõ cho mong muốn tái thiết lập quan hệ với đồng minh của Tổng thống Biden đương nhiệm.

Tờ Nikkei Asia nhận định, trước tiên, nếu như quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh luôn căng thẳng dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump do phương châm "Nước Mỹ trên hết", thì ông Biden được cho là đã và đang tìm cách thiết lập lại những quan hệ đồng minh.

Thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Suga Yoshihide dự kiến ​​sẽ là gạch nối dài cho tuyên bố chung sau cuộc họp 2+2 ngày 16/3 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Mỹ.

Thứ ba, Nhật Bản và Mỹ cũng có thể chia sẻ mối quan tâm chung về các động thái bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đối mặt với việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Bắc Kinh tuyên bố là Điếu Ngư, ông Biden đã nói trong bài phát biểu hồi tháng 2 về "tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc để cạnh tranh với Mỹ".

Tổng thống Biden gọi việc tăng cường quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh là một cách để kiềm chế Trung Quốc.

Theo đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thực hiện chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên tới Nhật Bản và Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của chính quyền Mỹ đối với hai đồng minh truyền thống cũng như đối với khu vực.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản và Mỹ sắp tới, giới quan sát cho rằng, Tokyo và Washington sẽ tìm cách thắt chặt mối quan hệ cả trên bình diện chính trị, kinh tế lẫn an ninh để thể hiện tình đồng minh thân thiết.

(theo Nikkei Asia)