Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith chứng kiến lễ ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào mới, ngày 8/4. (Nguồn: TTXVN) |
Với những kết quả tích cực đã đạt được cùng với dư địa hợp tác rộng mở giữa hai nước, thương mại biên giới được kỳ vọng tiếp tục đóng vai trò then chốt, giúp đưa thương mại song phương Việt Nam-Lào bứt tốc mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cơ hội thúc đẩy hợp tác
Trước hết, sự gần gũi về địa lý và tương đồng về văn hoá giữa Việt Nam-Lào là nhân tố quan trọng thúc đẩy thương mại biên giới phát triển. Hai nước có chung hơn 2.300 km đường biên giới, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố mỗi bên, tạo nên ưu thế, sự thuận tiện lớn về giao thông và liên kết chiến lược trên tuyến hành lang Đông-Tây.
Biên giới hai nước hiện có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, miền Trung Lào còn là cửa ngõ tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá của Việt Nam tới khu vực 17 tỉnh Đông Bắc Thái Lan rộng lớn, nơi sinh sống của đông đảo bà con Việt kiều. Với cơ sở hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc Vientiane - Văng Viêng và đường sắt cao tốc Lào-Trung đang ngày càng phát huy hiệu quả trong vận tải hàng hoá, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển, thương mại qua biên giới có điều kiện hết sức thuận lợi để lan toả lên phía Bắc Lào.
Thứ hai, Việt Nam và Lào đã tích cực phối hợp trong xây dựng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động thương mại song phương nói chung và thương mại biên giới nói riêng.
Bên cạnh việc hưởng những ưu đãi với tư cách là thành viên của Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại CLV-DTA, Việt Nam và Lào còn dành cho nhau những ưu đãi cao hơn về thuế, phí hàng hoá thông qua Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào (được ký kết năm 2015) và mới đây nhất là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào (ký kết vào tháng 4/2024). Các văn kiện pháp lý này đóng vai trò quan trọng, là xung lực mới góp phần thúc đẩy thương mại hai nước nói chung và thương mại biên giới nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.
Thứ ba, Việt Nam-Lào luôn dành ưu tiên thúc đẩy quan hệ thương mại tương xứng với quan hệ chính trị hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước trong các chuyến thăm gần đây luôn khẳng định mục tiêu đưa kim ngạch hai chiều Việt Nam-Lào đạt tăng trưởng ở mức 10-15%/năm.
Hội nghị Thương mại Việt Nam-Lào (VIETLAO EXPO) được tổ chức thường niên tại Lào với quy mô lớn, trở thành cầu nối cho hàng trăm doanh nghiệp hai nước tham gia. Bộ Công Thương hai nước cũng thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm thực chất nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương, trong đó thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng, không thể tách rời.
Bức tranh nhiều điểm sáng
Với những nỗ lực của cả hai nước, thương mại song phương Việt Nam-Lào trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, cho thấy sự khả quan nhất định trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại, đầu tư ở khu vực và thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 1,03 tỷ USD. Con số này liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tiếp theo, lần lượt là 1,37 tỷ USD vào năm 2021, 1,70 tỷ USD vào năm 2022 và 1,63 tỷ USD trong năm 2023.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì trong nhóm 3 nước cung ứng hàng hoá lớn nhất đối với Lào, với tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Lào đạt 491,9 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ 2023 và nhập khẩu từ Lào 1,01 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2023. Những con số ấn tượng này có sự đóng góp không nhỏ của các hoạt động thương mại biên giới khi chiếm tới 90% tổng giá trị thương mại hai nước. Với đà tăng mạnh mẽ như trên, nhiều khả năng kim ngạch thương mại hai nước sẽ lần đầu đạt mốc 2 tỷ USD trong năm 2024.
Các mặt hàng chính được Việt Nam nhập khẩu từ Lào bao gồm cao su, gỗ/các sản phẩm từ gỗ, phân bón, rau quả, quặng và khoáng sản. Ở chiều ngược lại, những mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang Lào gồm sản phẩm hoá chất, xăng dầu các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, các sản phẩm từ sắt thép…
Với hệ thống 33 cửa khẩu và 9 khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác thương mại, nhất là thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào còn nhiều dư địa để phát triển. (Nguồn: bienphong.vn) |
Khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu
Mặc dù hoạt động thương mại biên giới đang ngày càng có những đóng góp quan trọng trong thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Lào, song cần nhìn nhận quy mô thương mại biên giới vẫn còn khá khiêm tốn để đưa thương mại song phương tăng trưởng vượt bậc. Một số khó khăn, thách thức tiêu biểu có thể kể đến là:
Thứ nhất, quy mô nền kinh tế của Lào so với nhiều nước ở khu vực vẫn còn tương đối khiêm tốn, sức mua và nhu cầu tiêu dùng trong nước còn hạn chế. Ngoài ra, nền sản xuất hàng hoá phục vụ tiêu dùng nội địa vẫn đang trong quá trình phát triển nên chưa đóng góp nhiều cho xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các tài nguyên thô như năng lượng điện, khoáng sản, gỗ nên giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng khu vực dọc biên giới còn hạn chế, trong đó những vấn đề về giao thông, kết nối về logistics chưa hiệu quả dẫn đến chi phí vận tải còn cao so với các thị trường truyền thống của Lào là Thái Lan và Trung Quốc. Do địa hình đồi núi, việc phát triển các tuyến đường tới cửa khẩu và tuyến đường liên huyện còn chậm và chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại khu vực biên giới.
Thứ ba, do các khâu trung gian còn cồng kềnh, hàng hoá Việt Nam chưa thâm nhập sâu và vươn tầm mở rộng được hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tại Lào so với hàng hoá từ Thái Lan và Trung Quốc vốn khá được ưa chuộng từ nhiều năm nay.
Cần đột phá để tăng trưởng mạnh mẽ
Để tạo động lực mạnh mẽ cho hàng hoá, dịch vụ tiếp cận thị trường cũng như tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài tại các khu vực biên giới hai nước, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại bằng nhiều giải pháp cụ thể.
Trong đó nổi bật là sửa đổi, bổ sung một số quy định về hoạt động thương mại biên giới tại Nghị định số 122/2024/NĐ-CP và ban hành Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam-Lào (tháng 10/2024).
Từ phía Lào, Chính phủ Lào cũng ban hành những chính sách mới trong lĩnh vực thương mại, theo đó, ưu tiên chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá với Việt Nam nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Thái Lan, mang đến triển vọng lớn để hàng hoá Việt Nam hiện diện nhiều hơn ở thị trường Lào trong thời gian tới.
Trên cơ sở các yếu tố thuận lợi đã nêu, có thể thấy thương mại biên giới Việt Nam và Lào còn rất nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, để đưa quan hệ thương mại vươn tầm mạnh mẽ, tương xứng với quan hệ chính trị hai nước, thương mại biên giới phải đóng vai trò đột phá, thúc đẩy thương mại song phương nói chung phát triển ổn định, bền vững theo mục tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Các cơ quan chức năng của hai nước cần nghiên cứu một số định hướng lớn về hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào như tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế tạo thuận lợi cho các mặt hàng là thế mạnh trong thương mại hai nước; giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào nhằm tạo thuận lợi cho hàng hoá nước này lưu thông tại thị trường nước kia; nâng cao phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy triển khai xây dựng, nâng cấp các kết nối hạ tầng giao thông; phối hợp giảm thiểu, ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu, gian lận thương mại.