Xin bà cho biết vai trò và cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong APEC và trong thời kỳ hội nhập hiện nay?
Đây là một chủ đề mà chúng ta đã thảo luận rất nhiều trong vài năm vừa qua. Làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu được rằng họ có thể hưởng lợi từ những chính sách giảm thuế, bởi vì đôi khi họ phải làm khá nhiều thủ tục giấy tờ, tuân thủ một số quy định để có thể hưởng lợi từ việc tham gia thương mại tự do. Đây cũng là một số cản trở mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang gặp phải. Chính vì thế đã có nhiều cuộc thảo luận về một dịch vụ hỗ trợ cố định nhằm giúp họ hiểu quy trình hơn.
Một điều nữa đó là thương mại điện tử cũng là sân chơi mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và đây là một thị trường quan trọng trong chương trình hội nhập.
Bà Mari Pangtesu, nguyên Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Chủ tịch nhóm adhoc về kinh tế mạng của APEC tham gia một phiên thảo luận tại cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, ngày 15/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Vậy chúng ta phải làm thế nào để phát triển thương mại điện tử giữa các nền kinh tế thành viên APEC? Để trả lời câu hỏi này cần phải đi qua rất nhiều phiên thảo luận về tiêu chuẩn của sản phẩm mà các doanh nghiệp cần phải đáp ứng. Điều này cần phải kết hợp cùng quá trình xây dựng năng lực của các doanh nghiệp, đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế mà họ cần tuân thủ. Ví dụ như lĩnh vực thực phẩm sẽ phức tạp hơn vì cần nhiều quy trình hơn như: kiểm dịch, chính vì thế mà các nền kinh tế thành viên APEC cần phải thảo luận để cùng đưa ra một tiêu chuẩn nhất định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chúng ta có thể thấy các cơ hội dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng họ cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định để có thể hưởng lợi từ các cơ hội này. Vậy theo bà thì đâu là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn này?
Ví dụ như các sản phẩm thực phẩm, dược, sản phẩm liên quan đến sức khoẻ và kể cả những sản phẩm tiêu dùng đều phải có tiêu chuẩn an toàn nhất định và mỗi nước đều có quy định khác nhau về tiêu chuẩn, và các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về những quy định này.
Chúng tôi mong muốn các nước có thể có một thoả thuận về các quy định được công nhận để tránh sự trùng lặp, và đưa ra những tiêu chuẩn tối thiểu mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải đáp ứng.
Ngoài ra, cũng cần phải có lộ trình xây dựng năng lực, ví dụ như một số nước có yêu cầu nhãn mác phải là tiếng địa phương và đây có thể gây cản trở cho các doanh nghiệp. Vì vậy, thị trường thương mại điện tử đang có nhiều lợi thế hơn vì họ có thể sàng lọc doanh nghiệp nào phù hợp với thị trường của họ. Khâu chọn lọc này một phần sẽ đưa ra những quy định tối thiểu mà doanh nghiệp phải đáp ứng, từ đó các công ty có thể chuẩn bị kỹ càng hơn. Thương mại điện tử cũng có một diễn đàn chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giao lưu, như một trạm thông tin cho họ.
Phiên thảo luận thứ ba tại cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, ngày 15/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Các doanh nghiệp của các nền kinh tế khác đang áp dụng thương mại điện tử như thế nào và hưởng lợi gì từ công nghệ số ? Bà có thể nêu ví dụ từ Việt Nam hoặc từ quốc gia của bà?
Ở Indonesia thị trường thương mại điện tử đang khá phát triển, chúng tôi có nhiều diễn đàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ trực tiếp giữa người tiêu dùng với nhau (C2C) mà không chỉ dừng lại ở giữa doanh nghiệp và khách hàng. Amazon là trang cung cấp dịch vụ giữa doanh nghiệp và khách hàng, còn Ebay là giữa người tiêu dùng với nhau.
Ở nước chúng tôi có rất nhiều diễn đàn như Ebay và đều là dịch vụ trong nước, tôi nghĩ Việt Nam cũng có rất nhiều diễn đàn như vậy. Hiện nay còn xuất hiện những diễn đàn ở cấp khu vực ASEAN như Shopee, tôi nghĩ Shopee cũng được biết khá nhiều ở Việt Nam. Đây là một mô hình rất thú vị vì nó là dịch vụ giữa người tiêu dùng với nhau, và là cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia để bán sản phẩm ra nước ngoài.
Bà Mari Pangtesu phát biểu trong phiên họp thứ ba tại cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, ngày 15/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bà từng là một nhà hoạch định chính sách, vậy theo bà các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình phát triển mô hình thương mại điện tử này?
Việc đầu tiên là hiểu xuất khẩu như thế nào? Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất cần phải hiểu rõ tiêu chuẩn của sản phẩm, sở thích của từng thị trường cho từng sản phẩm, và sự công nhận từ các ngân hàng, chính vì thế nó phải là một hệ thống hoàn chỉnh, rồi sau đó là xây dựng năng lực. Nếu bạn là một doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ phải làm như thế nào nếu có một đơn hàng lớn.
Là một nhà hoạch định chính sách, tôi nghĩ rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn diện, chúng tôi không thể chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một khía cạnh mà ở mọi mặt trong quy trình xuất khẩu sản phẩm.
Cũng giống như nhiệm vụ của các bộ thương mại, họ chính là những cầu nối, trạm thông tin chính để hỗ trợ các doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng bộ thương mại có thể cùng các bộ ban ngành phát triển, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường thương mại điện tử.
Ngoài ra, hiện có rất nhiều xu hướng chống lại toàn cầu hoá, chống thương mại hoá, chủ nghĩa bảo hộ bởi vì họ có cảm giác là chỉ các công ty lớn đang hưởng lợi từ thị trường. Vì vậy, chúng ta cần phải nhìn đây như là một bài toán quan trọng và cần phải giải quyết sớm.
Xin cảm ơn bà!