📞

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Đưa hàng Việt Nam tới tận tay người tiêu dùng quốc tế

Quang Hiếu 20:40 | 30/11/2021
Trong bối cảnh dịch Covid-19, kênh thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra 'luồng xanh' đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới, khai phá tiềm năng lớn về kênh bán hàng mới trong giao thương quốc tế, góp phần phát triển nền kinh tế số Việt Nam.
Sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới đánh một dấu mốc quan trọng đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu thế mạnh mẽ trong thương mại điện tử nói chung. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, khi kênh xuất khẩu truyền thống đang gặp những khó khăn nhất định thì thương mại điện tử nói chung hay thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng càng "bùng nổ".

Kênh xuất khẩu mới

Giờ đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành một trong những giải pháp tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội mới giúp các mô hình thương mại điện tử dần gắn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, trở thành kênh xuất khẩu mới, bổ sung bên cạnh các kênh xuất khẩu truyền thống, có tính lan tỏa và mở rộng tập khách hàng.

Không bỏ lỡ xu thế lớn này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra trong đó là đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương.

Trong đó bao gồm xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín, có hàm lượng nội địa hóa cao, được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam và thế giới.

Trong nước, những tín hiệu tích cực từ “Gian hàng Việt trực tuyến” thời gian qua là nền tảng vững chắc để xây dựng chương trình đưa hàng Việt đến với các thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đặc biệt, sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương hợp tác với Tổng Công ty Bưu chính Viettel - Viettel Post trong vụ vải thiều năm nay đã đánh một dấu mốc quan trọng đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.

Sàn thương mại điện tử jd.com là website của một công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 của Trung Quốc (Alibaba đứng vị trí đầu tiên). Công ty JD (viết tắt của Jingdong) ra đời năm 1990, có website chính thức jd.com vào năm 2013.

Tiếp nối thành công đó, ngày 30/11, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố chương trình "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử JD.com.

JD.com là sàn thương mại điện tử của Trung Quốc, là nơi tập trung các doanh nghiệp, nhà sản xuất, thương hiệu, các sản phẩm hàng hoá, đặc sản của Việt Nam thông qua sự kết nối, tổ chức hỗ trợ của các cơ quan chức năng phía Việt Nam, sự kiểm tra, đánh giá năng lực sản xuất, tính hiệu quả trong phân phối của sàn thương mại điện tử và sự tính toán hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể tiến hành phân phối trên sàn thương mại điện tử uy tín ở nước ngoài, đảm bảo hàng hoá của doanh nghiệp xuất khẩu trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” được phân phối tới tận tay người tiêu dùng Trung Quốc. Mô hình này đã được nhiều quốc gia áp dụng trong thời gian qua.

Đây là gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam, là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung và nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc nói riêng, do Việt Nam chủ trì triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Họp báo công bố chương trình "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử JD.com ngày 30/11. (Nguồn: Bộ Công thương)

Cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế

Để vận hành gian hàng, Viettel Post đồng hành với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng như tư vấn vận hành và logistics ở một số thị trường nước ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ... Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tham gia gian hàng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các công đoạn, vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu.

Như vậy, thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ tạo cơ hội và giúp đỡ các doanh nghiệp lớn mà đặc biệt còn là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể triển khai kinh doanh, cũng như tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài một cách nhanh nhất.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, thời gian tới, đơn vị sẽ đảm nhiệm vai trò như đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức thực hiện việc phân phối hàng hoá, trước mắt là tại thị trường Trung Quốc, một cách có bài bản, có tổ chức, có hiệu quả trên sàn thương mại điện tử ở nước ngoài.

Tuy nhiên, mỗi thị trường nhập khẩu có những quy định pháp lý, những đặc tính riêng trong việc nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá. Vì vậy, căn cứ trên các nghiên cứu cụ thể với từng thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ xây dựng những mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới phù hợp để định hướng các doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo tính thị trường, tính hiệu quả và đạt mục tiêu mở rộng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Thương mại điện tử xuyên biên giới là một thách thức lớn, doanh nghiệp làm thương mại điện tử xuyên biên giới cần thời gian và quyết tâm" - Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về thị trường nước nhập khẩu, tập trung vào những sản phẩm là lợi thế; nâng cao năng lực quảng bá; nắm rõ các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy trình vận hành logistics xuyên biên giới, bảo quản hàng hóa...

Có thể khẳng định, thương mại điện tử xuyên biên giới là nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.

Hòa theo dòng chảy đó, Chính phủ mà đi đầu là Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đang nỗ lực mở "luồng xanh" đưa hàng hóa Việt phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường quốc tế qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, "luồng xanh" này liệu có thông suốt và chảy dồi dào, mạnh mẽ hay không còn phụ thuộc phần lớn vào sự chủ động thích ứng, nắm bắt thời cơ của doanh nghiệp Việt.