Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng tình tại Hội thảo “Phát triển Thương mại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025” diễn ra ngày 14/12 tại Hà Nội.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu Thương mại phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư châu Âu (EU - MUTRAP) tổ chức. Hội thảo là diễn đàn đa chiều để các nhà khoa học, các chuyên gia cùng các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ các nghiên cứu về thực trạng và định hướng phát triển thương mại trong nước và quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, trải qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại Việt Nam đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế trong nước và với thế giới, góp phần cải thiện sức cạnh tranh cũng như tăng trưởng kinh tế.
“Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước và khối nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các hiệp định với các khu vực thị trường rộng lớn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc… Như vậy, trong giai đoạn 2016 – 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, đa phương, đa chiều, đa lĩnh vực, trong đó thương mại là một trong những lĩnh vực trọng tâm”, ông Sơn khẳng định.
TPP vẫn là chuẩn mực
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng,Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), dù Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có được ký kết hay không thì những cam kết của hiệp định này đã mở ra những chuẩn mực quốc tế.
“Dù TPP có được thực hiện hay không, nhưng chuẩn mực của nó, các quan hệ của nó vẫn là hình mẫu để doanh nghiệp Việt Nam học theo để nâng sức cạnh tranh và vươn lên”, ông Thắng cho hay.
PGS.TS Nguyễn Xuân Quang, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cuộc chơi TPP đang ở trạng thái đang vui bỗng “sắp đứt dây đàn” vì nước đóng vai trò quyết định là Mỹ nhiều khả năng sẽ không tham gia TPP khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ TPP ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Dù số phận của TPP ra sao thì theo ông Quang, TPP đóng vai trò như một thiết bị phân tích có phần mềm chuẩn về thương mại và thương mại quốc tế hiện đại dưới định hướng nguyên tắc tự do thương mại toàn cầu. Thông qua TPP, Việt Nam có thể “nội soi” các khuyết tật đang tồn tại trong nền kinh tế và thương mại. Từ đó, phát hiện được chính xác những tồn tại và nguyên nhân tồn tại đang kìm hãm quá trình phát triển kinh tế và thương mại hiện nay khi đối sánh thực trạng với định chuẩn.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Tú Tú) |
“TPP không tạo dựng như một liều thuốc hay thực phẩm chức năng hỗ trợ phát triển kinh tế và thương mại. Nó thực sự là một loại kháng sinh tổng hợp liều cao cho kinh tế và thương mại Việt Nam”, ông Quang ví von.
Trong khi đó, ông Phạm Tất Thắng chỉ rõ, trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng gay gắt, một trong những điểm yếu nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay là chậm đổi mới công nghệ. Thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ có 8% doanh nghiệp là có trình độ công nghệ trung bình, 45% doanh nghiệp có công nghiệp trung bình thấp và chỉ khoảng 2% doanh nghiệp có trình độ cao.
Để hội nhập và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập sắp tới, ông Phạm Tất Thắng khuyến nghị các doanh nghiệp cần sớm bỏ tư duy manh mún, chụp giật để xây dựng một định hướng cho hoạt động kinh doanh trên thị trường khu vực và quốc tế, chấp nhận cạnh tranh quốc tế trên mọi phân khúc thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần thường xuyên đổi mới công nghệ, trang bị thêm kiến thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiểu rõ các rào cản đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà doanh nghiệp hướng tới. Đồng thời, thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với cộng đồng người Việt tại nước ngoài và quan tâm hơn nữa tới nguồn nhân lực để nâng cao khả năng xử lý trong hoạt động kinh doanh quốc tế.
Cục diện mới
Trao đổi bên lề Hội thảo, Ths. Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối diện với cục diện mới. Tương lai của TPP hiện vẫn chưa rõ ràng, trong khi đó Việt Nam vẫn đang tham gia ký kết một số hiệp định khác như là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Đây chính là những hiệp định thương mại có tính chất rất quan trọng tương đương TPP vì thế Việt Nam cần phải có một sự chuẩn bị để điều chỉnh và tận dụng các lợi ích của các hiệp định mang lại.
“Hoạt động xuất khẩu của chúng ta cũng không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh các thị trường mà chúng ta phải chiếm lĩnh được các ngành hàng mà chúng ta có lợi thế trên bản đồ thế giới. Chúng ta cần nắm lấy những khâu trong thương mại quốc tế sẽ đem lại lợi ích tối đa như khâu phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm, những khâu cuối, ở phía hạ nguồn. Còn những khâu đầu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, sản xuất cũng đem lại giá trị nhưng giá trị thường khá thấp. Việc điều chỉnh tái cơ cấu các ngành kinh tế trong nước sẽ gắn rất chặt với các chính sách về thương mại quốc tế”, ông Hải khuyến nghị.
VKFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. (Nguồn: KTNT) |
Đánh giá về tác động của một số Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết đã có hiệu lực, ông Hải cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam có thể nhập khẩu các linh kiện điện tử, thiết bị công nghệ cao từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất trong nước với giá thành ưu đãi.
Chia sẻ về cơ hội của Việt Nam một năm sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, ông Hải nhận định: “ASEAN hiện đang chiếm khoảng 25% quan hệ thương mại với Việt Nam. Khi cả ASEAN đã trở thành một thị trường chung thì lúc đó chúng ta không cạnh tranh trong nội khối mà bản thân Việt Nam và các nước ASEAN có thể cùng thiết lập các cơ sở kinh tế chung để có thể vươn ra cạnh tranh, đưa hàng hóa ra các thị trường khác”.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Dự án EU – MUTRAP đã trao tặng 95 cuốn sách về thương mại và đầu tư quốc tế cho Viện Nghiên cứu Thương mại. Đây là những cuốn sách về luật thương mại, đầu tư quốc tế và kinh tế học do các chuyên gia danh tiếng trên thế giới biên soạn và được các nhà xuất bản uy tín phát hành như Nhà xuất bản Cambridge, Nhà xuất bản Oxford, Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO)… |