📞

Thụy Điển: 'Chỉ còn một số bước nhỏ' để chính thức là thành viên NATO

Hạnh Lê 14:38 | 28/11/2022
Ngày 27/11, Trưởng đoàn đàm phán Thụy Điển Oscar Stenström thông báo Stockholm đã có bước tiến mới trong việc đàm phán gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chỉ còn một số bước nhỏ nữa để đạt được mục tiêu.
Ba phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan đã có cuộc họp tại Stockholm vào ngày 25/11 vừa qua để thảo luận về tư cách thành viên NATO của hai quốc gia Bắc Âu. (Nguồn Hurriyet Daily News)

Sau khi ba phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan nhóm họp tại Stockholm vào ngày 25/11 để bàn về tư cách thành viên NATO của hai quốc gia Bắc Âu, ông Oscar Stenström cho biết, đã thảo luận với cảnh sát và các đồng nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy cuộc chiến chống mối đe dọa khủng bố.

Đồng thời, ông Stenström khẳng định, Thụy Điển chỉ cần “một vài bước nhỏ nữa” để trở thành thành viên đầy đủ của NATO. Theo đó, các yêu cầu đã đáp ứng cũng sẽ được áp dụng trong luật chống khủng bố của Thụy Điển.

Đây là cuộc họp thứ hai của Cơ chế chung thường trực do ba nước thành lập, theo thỏa thuận ba bên được ký trong cuối tháng Sáu vừa qua. Thỏa thuận này đã mở đường giúp Thụy Điển và Phần Lan khởi động cho tiến trình gia nhập NATO, với điều kiện tăng cường hợp tác chống khủng bố với Thổ Nhĩ Kỳ và dẫn độ những phần tử khủng bố.

Tuyên bố chung được ba nước đưa ra sau cuộc họp lần này thể hiện sự công nhận của Thổ Nhĩ Kỳ rằng “các ứng viên NATO đã triển khai các biện pháp hiện thực hóa cam kết của họ”.

Trong thời gian gần đây, Thụy Điển đã sửa đổi luật chống khủng bố với cam kết sẽ tăng cường vai trò của cơ quan thực thi pháp luật trong cuộc chiến chống khủng bố.

Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Trong khi đó, Ankara công nhận Stockholm và Helsinki đã có một số bước đi tích cực, tuy nhiên vẫn cần phải đánh giá công tác thực thi luật mới ở Thụy Điển vào Quý I năm tới.

Trước đó, ngày 5/11, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom thừa nhận Lực lượng Phòng vệ nhân dân (YPG), phong trào dân quân vũ trang người Kurd tại Syria, cùng nhánh hoạt động chính trị đảng Liên hiệp Dân chủ (PYD) có liên hệ mật thiết với đảng Công nhân người Kurd (PKK), phong trào ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Billstrom nhấn mạnh Stockholm ưu tiên tạo quan hệ tốt đẹp với Ankara và sẵn sàng chấm dứt liên hệ với YPG. "Mục tiêu chính của Thụy Điển là trở thành thành viên NATO", ông nói.

Ngày 4/11, trong cuộc thảo luận với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Istanbul, Tổng thống Erdogan tiếp tục cảnh báo không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển vào liên minh nếu hai nước Bắc Âu không thực hiện đúng những cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara trước đó cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan cung cấp nơi ẩn náu cho một số "phần tử khủng bố" tham gia phong trào ly khai người Kurd. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh quá trình phê chuẩn thư mời gia nhập NATO nhanh hay chậm "sẽ tùy vào những bước đi tiếp theo của Phần Lan và Thụy Điển".

(theo Decod 39/Hurriyet Daily News)