📞

Thụy Điển - một dân tộc nhân văn

09:37 | 10/01/2015
Cứ mỗi năm đến ngày 11/1 - ngày kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, tôi lại cảm thấy bồi hồi. Cuộc đời làm ngoại giao của tôi gắn bó với Thụy Điển, nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969.
Ông Đinh Tích (thứ hai từ phải sang) cùng các thành viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển trong chuyến thăm của đoàn đến Thụy Điển năm 1994.

Gắn bó từ lịch sử

Trước hết, phải nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người gắn bó với Thụy Điển. Từ năm 1924, Bác Hồ sang Moscow hoạt động và đã có nhiều người bạn Thụy Điển. Bác đã học và nói được tiếng Thụy Điển.

Một trong những người bạn thân của Bác tại Moscow lúc đó là kỹ sư xây dựng kiêm họa sĩ Eric Johanson. Đây chính là người vẽ hai bức chân dung đầu tiên của Bác Hồ (tháng 9/1924). Năm 1967, ông Eric trở về Thụy Điển và có gửi thư cho Bác nhưng có lẽ thư thất lạc nên không nhận được thư hồi âm của Bác. Chuyện đã được ông Eric viết lại trên báo chí Thụy Điển.

Những ngày tháng Việt Nam đang chuẩn bị tham gia đàm phán Hiệp định Geneva, mọi sự chú ý cũng đã tập trung vào bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách, lập trường, quan điểm của Việt Nam. Bài phát biểu được đăng trên báo Expressen của Thụy Điển (ngày 26/2/1954).

Không chỉ là nước phương Tây đầu tiên công nhận Việt Nam, Thụy Điển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (8/1966). Tháng 10/1968, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam lập phòng thông tin tại Stockholm…

Thụy Điển là một đất nước phát triển về mọi mặt đã viện trợ không hoàn lại Việt Nam nhiều nhất, tính đến năm 2012-2013 vào khoảng 3,5 tỷ USD, đặc biệt trong những thời kỳ Việt Nam khó khăn nhất, phải tính từng đồng, không có dự trữ ngoại tệ.

Kỷ niệm khó quên

Trong gần 40 năm công tác tại Bộ Ngoại giao thì chỉ trừ bốn năm làm Đại sứ tại Philippines, tôi hầu như chỉ làm việc tại Vụ châu Âu và đi nhiệm kỳ tại Thụy Điển - đất nước tôi gắn bó tổng cộng trên 12 năm. Có thể nói Thụy Điển là ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời tôi.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Thụy Điển. Nhớ nhất là những năm xảy ra vấn đề Campuchia, Thụy Điển không cắt viện trợ mà vẫn cử chuyên gia sang giúp Việt Nam. Chuyên gia của họ đã đến Vĩnh Phú để tiếp tục xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng. Là một dân tộc nhân văn, Thụy Điển từng thấy được tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, dân chủ cho đất nước, nhất là phương châm "Việt Nam làm bạn với tất cả các nước dân chủ" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra. Những năm 1980 đó, Thụy Điển tiếp tục thấy được tính chính nghĩa của Việt Nam, hiểu rằng Việt Nam đã giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Polpot.

Tôi cũng nhớ những khoảnh khắc đầy cảm xúc khi xảy ra sự kiện Thủ tướng Olof Palme bị ám sát. Đó là ngày 28/2/1986, Thủ tướng Odof Palme đi xem phim về lúc 11h30 đêm đã bị bắn chết trên đường. Là một trong những người biết tin đầu tiên, tôi đã báo ngay về nước. Rất bàng hoàng! Vì ông Odof Palme là một trong những nhà lãnh đạo Thụy Điển ủng hộ Việt Nam rất mạnh mẽ, đặc biệt thời kỳ Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Chính những bài diễn văn, những tuyên bố cùng việc dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Thụy Điển trở nên căng thẳng.

Ngoài Thủ tướng Olof Palme, Thụy Điển còn có rất nhiều nhân vật khác nặng tình với Việt Nam, như bà Birgitta Dahl - nguyên Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, là Chủ tịch Hội nghị quốc tế Stockholm về Việt Nam đầu những năm 1970. Bà cũng là vị khách nước ngoài đầu tiên được mời phát biểu tại Quốc hội Việt Nam.

Giới trí thức có nhà văn Sara Lidman, người đã ngừng viết văn trong 10 năm (từ 1965-1975) để đi vận động ủng hộ Việt Nam. Bà Sara Lidman đã viết rất nhiều sách báo và đi diễn thuyết ủng hộ Việt Nam ở nhiều nơi tại Thụy Điển và cả khu vực Bắc Âu. Bà yêu Việt Nam đến mức có lúc muốn trở thành người Việt Nam!

Ngoài ra còn có bác sĩ John Takman, người từng gặp Bác Hồ nhiều lần, đã đứng ra tổ chức nhiều đợt quyên góp trong Ủy ban Thụy Điển vì Việt Nam. Hay bà Anna Lihn - làm Bộ trưởng Ngoại giao đầu năm 2000, đã tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Nam từ năm 12 tuổi...

Kỷ niệm về thời kỳ làm việc tại Thụy Điển đã nhắc tôi một điều là phải biết tôn trọng lịch sử, ghi nhớ công ơn của những người bạn từng sát cánh bên chúng ta trong những ngày khó khăn nhất. Người ta vẫn yêu quý Việt Nam vì chúng ta là người bạn chung thủy, có trước có sau, có mới không quên cũ.

Những kinh nghiệm làm việc lâu năm tại địa bàn Thụy Điển cũng giúp tôi trở thành chuyên gia cấp Bộ về Tây Bắc Âu. Tôi từng cảm thấy rất tự hào khi những năm 1980 đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi sang để báo cáo về tình hình các nước Tây Bắc Âu. Năm 1984, tôi chỉ là Bí thư thứ ba phụ trách báo chí nhưng đã được tờ báo lớn nhất của Thụy Điển là tờ Tin tức hàng ngày chọn là một trong ba người thuộc giới ngoại giao để thực hiện bài phỏng vấn lớn. Hai đồng nghiệp khác được chọn là Đại sứ Mỹ và Đại sứ Liên Xô tại Thụy Điển. Về sau bài báo được bạn bè đồng nghiệp của tôi đánh giá cao…

Đinh Tích*

*Tác giả từng học tại Đại học Stockholm năm 1973. Năm 1974 làm việc tại Phòng thông tin Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Thụy Điển. Từ 1977-1980: Tùy viên báo chí của Sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển. Từ 1983-1986: Bí thư thứ ba của Sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển. Từ 1993-1996: Tham tán thứ nhất, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Thụy Điển.