📞

Thụy Sỹ công bố chiến lược hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2017-2020

20:50 | 11/10/2016
Ngày 11/10, Quốc vụ khanh phụ trách Kinh tế của Liên bang Thụy Sỹ Marie-Gabrielle Ineichen Fleisch đã công bố Chiến lược Hợp tác phát triển mới của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020. 
Quốc vụ khanh phụ trách Kinh tế của Liên bang Thụy Sỹ Marie-Gabrielle Ineichen Fleisch khẳng định, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam đạt được tăng trưởng toàn diện và bền vững. (Ảnh: H.N)

Bám sát nhu cầu cải cách và những thách thức ngày càng gia tăng của Việt Nam, Chiến lược mới sẽ tập trung vào lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) thực hiện với tổng cam kết viện trợ không hoàn lại dự kiến là 92 triệu USD, là cơ sở vững chắc cho quan hệ hợp tác dài lâu giữa hai quốc gia trong 4 năm tới.

Sau khi Việt Nam và Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, năm 1992, Thụy Sỹ đã dành cho Việt Nam Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Tính đến năm 2016, Thụy Sỹ đã cam kết 470 triệu USD, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại, để hỗ trợ chương trình cải cách và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Các dự án hợp tác giữa hai phía do Cục Hợp tác Phát triển (SDC) thuộc Bộ Ngoại giao và Thư ký Nhà nước về Hợp tác Kinh tế (SECO) thuộc Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ phụ trách đã đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, người dân Việt Nam.

Theo sát tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng của Việt Nam cũng như các kết quả đáng ghi nhận về các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và việc Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, Thụy Sỹ tiếp tục điều chỉnh chính sách Viện trợ chính thức cho Việt Nam. Theo đó, Thụy Sỹ sẽ kết thúc các chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực quản trị công và xóa đói giảm nghèo do SDC thực hiện. Thay vào đó, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế trong khuôn khổ hỗ trợ của SECO.

Trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ quá trình hợp tác tại Việt Nam cũng như tham vấn với Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các đối tác từ khu vực kinh tế tư nhân, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự, Chiến lược Hợp tác phát triển giai đoạn 2017 - 2020 của SECO sẽ hỗ trợ ba mục tiêu chính: Tăng cường thể chế và chính sách kinh tế hiệu quả; Phát triển khu vực tư nhân sử dụng nguồn lực hiệu quả và có khả năng cạnh tranh; Hỗ trợ phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương đánh giá, các dự án ODA do Thụy Sỹ tài trợ đều đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. (Ảnh: H.N)

Chiến lược Hợp tác Phát triển của SECO với Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài chính công, tăng cường ngành tài chính, tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy các tiêu chuẩn môi trường và xã hội bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch, các điều kiện chung để phát triển thương mại bền vững, môi trường kinh doanh lành mạnh, quy hoạch đô thị hợp nhất cũng như tiếp cận các dịch vụ công đáng tin cậy.

Bà Marie-Gabrielle Ineichen Fleisch cho biết, “Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam đạt được tăng trưởng toàn diện và bền vững giúp cải thiện đời sống của người dân. Chúng tôi hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong cải cách kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Thụy Sỹ luôn là một đối tác tin cậy và cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai”.

Phát biểu tại buổi lễ tuyên bố Chiến lược mới của Thụy Sỹ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương đánh giá, “các dự án ODA do Thụy Sỹ tài trợ đều đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, người dân Việt Nam, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.