📞

Thụy Sỹ: Đầu mũi tên đặt tại bảo tàng lịch sử được tìm thấy làm từ sắt thiên thạch

14:48 | 07/08/2023
Một đầu mũi tên có niên đại 3.000 năm tuổi trong Bảo tàng lịch sử Bern (Thụy Sỹ) được làm bằng sắt có nguồn gốc từ thiên thạch.
Đầu mũi tên này nhiều khả năng được người cổ đại làm từ thiên thạch ngoài Trái đất. (Nguồn: Phys)

Các nhà nghiên cứu phân tích các đặc điểm đầu mũi tên và nguồn vật liệu của nó cho thấy vũ khí này có khả năng từ thiên thạch giàu sắt.

Nhiều nghiên cứu trước cho thấy, sắt từ thiên thạch đã được người cổ đại sử dụng rộng rãi.

Trong phát hiện mới, các nhà khoa học đánh giá những bộ sưu tập khảo cổ học trên khắp Thụy Sỹ để xác minh xem có bất kỳ hiện vật nào trong số này được làm bằng kim loại có nguồn gốc thiên thạch hay không.

Họ phát hiện ra đầu mũi tên tại bảo tàng Lịch sử Bern làm một phần từ dạng nhôm không tồn tại tự nhiên trên Trái đất, nó chứa một hợp kim sắt và niken, chỉ được phát hiện trong các thiên thạch.

Đầu mũi tên trong nghiên cứu phát hiện tại một địa điểm thời kỳ đồ đồng có tên là Mörigen (một đô thị của Thụy Sỹ ngày nay). Những cộng đồng người trong khu vực này đã sống khoảng từ năm 800 đến năm 900 trước Công nguyên.

Nhóm nghiên cứu ban đầu suy đoán, đầu mũi tên được chế tạo bằng kim loại từ thiên thạch Twannberg đã rơi cách địa điểm tìm thấy mũi tên này chưa đầy 8km. Tuy nhiên, họ phát hiện ra rằng, nồng độ gecmani, niken không khớp giữa mẫu thiên thạch và vũ khí này.

Những nhà khoa học đã tìm kiếm một nguồn khác trong cơ sở dữ liệu địa chất thiên thạch cho thấy, có 3 thiên thạch khác được phát hiện trước đây ở châu Âu có thành phần hợp kim trùng với đầu mũi tên.

Một thiên thạch rơi ở CH Czech, cái còn lại ở Tây Ban Nha và cái thứ 3 ở Estonia. Các nhà nghiên cứu tin rằng, các mảnh vỡ từ thiên thạch Estonia có khả năng cao mà người cổ đại sử dụng thiết kế mũi tên.

"Trong số 3 thiên thạch sắt lớn rơi xuống châu Âu, nhiều khả năng vật thể Kaalijarv (Estonia) có thành phần hóa học phù hợp với đầu mũi tên", các nhà khoa học cho biết trong nghiên cứu.

Phát hiện này cho thấy, xã hội trong thời kỳ đồ đồng ở Trung Âu có thể đã hình thành một mạng lưới thương mại rộng lớn giữa các địa điểm ở Estonia và Thụy Sỹ.

Họ lưu ý, sự kiện va chạm với Trái đất dẫn đến hình thành miệng núi lửa lớn của thiên thạch ở Estonia có thể xảy ra vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên trong thời kỳ đồ đồng. Cú va chạm này tạo ra nhiều mảnh vỡ nhỏ và người cổ đại đã biết sử dụng chúng.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Việc cộng đồng người cổ đại châu Âu phát hiện và thương mại hóa các mảnh hợp kim nhỏ như vậy có nhiều khả năng hơn so với trường hợp các khối thiên thạch lớn bị chôn vùi.

Những hiện vật khác có cùng nguồn gốc từ thiên thạch cũng có thể xuất hiện trong các bộ sưu tập khảo cổ khác".

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Khoa học khảo cổ.

(theo Dân trí)