Trong ngày Quốc khánh, người Thụy Sỹ thường có các hoạt động kỉ niệm cùng gia đình và bạn bè trên phố, cũng là bởi tháng Tám là tháng nắng ấm nhất trong năm. Tối đến, theo truyền thống, các em nhỏ đi thành hàng qua các con phố với đèn lồng trên tay. Tiếp đó là màn bắn pháo hoa tại hầu hết các thành phố và người dân trên những ngọn núi cao đốt lửa sum vầy.
Thúc đẩy thương mại
Năm 2016 là một năm đặc biệt đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sỹ. Thụy Sỹ là một trong các quốc gia Tây Âu đầu tiên công nhận Việt Nam vào ngày 11/10/1971.
Kể từ đó, quan hệ hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như thương mại (trao đổi thương mại song phương năm 2015 đạt 1,53 tỷ USD), hợp tác phát triển kinh tế (Thụy Sỹ giúp đỡ Việt Nam 123 triệu USD cho giai đoạn 2013 – 2016), hợp tác giáo dục, nghiên cứu và đổi mới. Thụy Sỹ hiện đứng thứ 4 trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2 tỷ USD. Hơn 90 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Để thúc đẩy thêm quan hệ thương mại, Thụy Sỹ cùng 3 quốc gia khác là Na Uy, Ireland và Liechtenstein (thuộc Khối mậu dịch tự do châu Âu EFTA) đang tiến hành đàm phán hiệp định thương mại với Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới
Thụy Sỹ là một quốc gia nhỏ bé nhưng có tính cạnh tranh cao hướng tới xuất khẩu. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp Thụy Sỹ đứng đầu bảng 7 năm liên tiếp. Thành tựu đáng nể đó là nhờ vào các yếu tố sau đây:
Trước hết, môi trường kinh doanh mang lại cho Thụy Sỹ một cơ chế đổi mới thân thiện với môi trường. Đây là một trong các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D), trong đó 2/3 chi phí cho R&D xuất phát từ khu vực kinh tế tư nhân. Thêm vào đó, thị trường lao động có tính hiệu quả rất cao nhờ cân bằng trong chính sách bảo vệ người lao động với tính linh động của thị trường lao động và nhu cầu trong kinh doanh. Môi trường kinh doanh này còn được hưởng lợi từ một thị trường tài chính phát triển vượt bậc, các cơ sở hạ tầng, giao thông cũng như một môi trường kinh tế vĩ mô đạt chất lượng tuyệt hảo và ổn định vào bậc nhất thế giới.
Thứ hai phải kể đến giáo dục của Thụy Sỹ, vốn đóng một vai trò rất quan trọng trong sáng tạo đổi mới. Nhiều trường đại học chất lượng cao được thế giới biết đến, trong đó phải kể đến hai trường nổi tiếng là Đại học Bách khoa Liên bang của Zurich (ETHZ) và của Lausanne (EPFL) luôn áp dụng chương trình giảng dạy khoa học mang tính đột phá ở nhiều cấp, trong đó hết sức chú trọng đến đào tạo nghề. Thêm vào đó, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà trí thức và lĩnh vực tư nhân đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế nước này. Các trường đào tạo lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, đến theo học và trải nghiệm.
Yếu tố thứ ba là tính minh bạch và hiệu quả cao của các cơ quan chính phủ Thụy Sỹ. Các cơ quan này rất biết cách kết hợp các bộ luật khuyến khích kinh doanh với việc áp mức thuế phù hợp cho các doanh nghiệp.
Thuận lợi cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là một nền chính trị ổn định cộng với đội ngũ lao động chuyên nghiệp, tài năng mà đất nước này đã thu hút được từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc và sinh sống, góp phần không nhỏ tạo nên khả năng cạnh tranh toàn cầu cao cho Thụy Sỹ.
Sáng tạo - Mơ ước - Tự hào
Một ví dụ điển hình cho sức sáng tạo của Thụy Sỹ chính là máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse hiện đang thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới. Solar Impulse chính sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ cao, vật liệu siêu nhẹ và chỉ sử dụng một nguồn năng lượng duy nhất: năng lượng mặt trời. Bertrand Piccard, cha đẻ của Solar Impulse từng nói: “Nếu ai ai cũng nói rằng bạn có thể làm được, nghĩa là ước mơ của bạn đủ lớn.”
Thụy Sỹ với địa hình đồi núi nằm ngay ở trái tim châu Âu luôn có mối quan hệ rất tốt đẹp với các quốc gia láng giềng. Bằng chứng mới nhất cho những thành tựu nổi bật trong hội nhập khu vực chính là đường hầm xe lửa Gotthard dài nhất (57,1km) và sâu nhất thế giới (2.300m dưới mặt đất) vừa được khánh thành ngày 1/6 vừa qua, góp phần đẩy mạnh giao thông và vận chuyển hàng hoá đường sắt giữa Bắc Âu và Nam Âu qua dãy Alpes.
Việt Nam và Thụy Sỹ có nhiều điểm tương đồng trong phát triển du lịch. Du khách đến thăm Thụy Sỹ vì tính hấp dẫn của lịch sử, thiên nhiên tươi đẹp và văn hoá phong phú tạo nên từ hơn tám triệu dân và bốn ngôn ngữ quốc gia là Đức, Pháp, Italy và Roman.
Điều cuối cùng tôi muốn nói đến là các công dân Thuỵ Sỹ luôn tự hào về nền dân chủ của nước mình, cho phép phụ nữ và nam giới tham gia trực tiếp vào các vấn đề chính trị thông qua việc đưa ra các sáng kiến, yêu cầu trưng cầu dân ý, hay bỏ phiếu cho các vấn đề đặc biệt ở nhiều cấp độ. Việc bỏ phiếu hoặc trưng cầu dân ý diễn ra nhiều lần trong năm, trong đó có cả việc lựa chọn các đại diện của từng bang vào Quốc hội.
Là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc đến cộng đồng người Thuỵ Sỹ và những người bạn của Thụy Sỹ sinh sống ở Việt Nam một ngày Lễ Quốc khánh vui vẻ và hạnh phúc. Tôi rất mong đợi đến Lễ kỷ niệm chính thức 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sỹ vào ngày 11/10 tới đây.