Vật liệu mới do các nhà khoa học Thụy Sỹ phát triển sẽ giúp hạn chế sự rỉ sét và ăn mòn. (Nguồn: Indiatimes) |
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật liên bang Zurich (ETH Zurich, Thụy Sỹ) vừa giới thiệu một giải pháp mới để chống lại sự ăn mòn.
Đây là loại vật liệu chống ăn mòn có khả năng tự phục hồi mà nhóm nghiên cứu đã phát triển suốt vài năm qua.
Vật liệu này được gọi là Poly phenylene methylene, viết tắt là PPM, và là loại polyme tái chế. Khi vật liệu này được trộn làm sơn và nung nóng, PPM có thể được phun lên bề mặt công trình và sẽ trở nên rắn chắc. Về cơ bản, bên cạnh hoạt động như một vật liệu chống ăn mòn, nó có thể trám kín các lỗ và vết nứt trên bề mặt công trình.
Loại vật liệu này có thể tự sửa chữa mọi hư hỏng mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Sau khi vòng đời của sản phẩm kết thúc, PPM có thể được loại bỏ và tái chế với “lượng tổn thất vật liệu tối thiểu”, trang Phys.org đưa tin.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Polymers, các nhà khoa học của Viện ETH Zurich cho biết loại vật liệu polyme tái chế này có thể được sử dụng trên nhiều loại bề mặt khác nhau mà không bị giảm bất kỳ đặc tính và chức năng nào.
Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy lớp phủ có chứa chất PPM có thể bảo vệ kim loại (đặc biệt là nhôm) khỏi rỉ sét. Thực tế là nó có thể tự sửa chữa lớp phủ - và đây chính là một lợi ích quan trọng. Với tỷ lệ tái chế lên đến 95%, các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể tái sử dụng PPM đến 5 lần.