Thụy Sỹ là một sự lựa chọn du lịch hoàn hảo giúp “detox” cơ thể và tâm hồn. (Nguồn: ivivu) |
Với diện tích chỉ 41.000 km², bằng 1/8 diện tích của Việt Nam, Thụy Sỹ không kém phần quyến rũ với những điểm tham quan lý tưởng mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ hay những công trình kiến trúc xa hoa cổ kính và trên hết là nền văn hoá đa sắc độc đáo.
Kỳ vĩ dãy Alps
Chẳng có biển nhưng Thụy Sỹ chẳng chịu “lép vế” trước bất kỳ nước nào. Đó là nhờ sự hài hòa cảnh quan sông núi và thung lũng, trong đó không thể không nhắc đến dãy núi Alps - được ví là "con rồng lớn của châu Âu".
Mỗi mùa trôi qua, dãy núi Alps lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Mùa Đông, những vách đá dựng đứng, mỏm núi cao chọc trời đều ẩn mình dưới lớp tuyết trắng. Nhưng ngay khi thu sang, núi rừng vội đổ màu vàng mơ, soi bóng mình ngắm làn nước hồ xanh..
Trượt tuyết và leo núi là một phần cuộc sống của người dân nước này, với những điểm trượt tuyết nổi tiếng nhất như đỉnh Matterhorn, đỉnh Jungfrau.
Nếu không phải là người ưa mạo hiểm, ta vẫn có thể chinh phục Eiger Trail hoặc dạo quanh những ngôi làng sương mờ lãng mạn như Interlaken.
Cũng đừng quên ngắm bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của những thác nước ầm ào, mãnh liệt. Cảm khái với vẻ đẹp của những dòng thác nơi đây, đại thi hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) đã viết lên tuyệt phẩm thi ca "Gesang der Geister über den Wassern" (Bài ca thần linh trên mặt nước) rằng:
"Linh hồn người/ Tựa làn nước / Đến từ nơi thiên đàng/ Và sải cánh bay về/ Thêm một lần/ Trở lại mặt đất/ Cứ mãi đổi thay.
Rơi từ nơi cao ngất trời/ Những bức tường gồ ghề mặt đá/ Thành những dòng suối tươi mát/ Lan tỏa nhẹ nhàng/ Cuồn cuộn thành những gợn mây/ Qua từng mặt đá phẳng lặng...".
Thủ đô Bern cổ kính. (Nguồn: Klook) |
Thủ đô Bern cổ kính
Giữa lòng Thụy Sỹ hiện đại, hối hả lại là thủ đô Bern thanh bình, an yên và vô cùng mộc mạc.
Nơi đây mang trong mình nét văn hóa cổ kính và nhịp điệu trầm lắng của một thành phố châu Âu với những con đường lát đá mài thủ công dưới những mái vòm chạy dài được chạm trổ tinh xảo. Nhờ có những mái vòm này mà kể cả những ngày trời nắng chói chang hay mưa tầm tã cũng không cản bước những du khách hiếu kỳ.
Biểu tượng trung tâm của khu phố là tháp đồng hồ Zytglogge. Cứ đến đúng 12h trưa là tất cả du khách lại tập trung dưới chân tòa tháp để lắng nghe tiếng chuông thánh thót và ngắm những chú rối tinh nghịch nhảy ra từ phía trong mặt đồng hồ.
"Bern” trong tiếng Đức có nghĩa là con gấu. Phải chăng vì thế mà dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chú gấu đáng yêu trên những lá cờ, phù hiệu biểu trưng... ở thành phố. Những chú gấu cũng trở thành linh vật đem lại may mắn cho thành phố 800 năm tuổi đời này.
Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: WPL) |
"Thủ đô hòa bình" Geneva
Toàn bộ những hình ảnh đại diện cho đất nước Thụy Sỹ như được hội tụ tại Geneva.
Đến với Geneva, ta như lạc vào thế giới thần tiên, thơ mộng đến khó tả. Từ các ngôi làng rượu vang đẹp như tranh vẽ, những ngọn núi tuyết phủ quanh năm, thành phố về đêm, tiếng chuông reo từ những con bò sữa trên đồng cỏ bạt ngàn, các lâu đài, nhà thờ và chính hồ nước xanh gợn sóng lăn tăn.
Không phải ngẫu nhiên mà Geneva được mệnh danh là “thủ đô hòa bình” của thế giới. Rất nhiều hiệp định hòa bình đã được ký kết tại đây và thành phố cũng là nơi đặt trụ sở của hơn 200 tổ chức quốc tế liên quan đến việc kiến tạo hòa bình, cứu tế nhân đạo, tị nạn, chống mìn sát thương, bảo vệ môi trường, giáo dục…
Vẻ đẹp của thành phố Zurich. (Nguồn: getbybus) |
Thành phố của “tinh thần Thụy Sỹ”
Zurich là thành phố lớn nhất và sầm uất nhất của Thụy Sỹ. Khác với Geneva, Zurich là nơi lưu giữ mọi khía cạnh văn hóa nghệ thuật của Thụy Sỹ trong hơn 50 bảo tàng trải khắp thành phố.
Ðiểm khác biệt lớn nhất tại đây chính là hồ Zurich hiện diện ngay trong lòng thành phố. Nước hồ thực chất là nước từ một dòng sông băng từ núi Alps chảy xuống. Có lẽ vì thế mà mặt hồ lúc nào cũng trong vắt như gương, phản chiếu bầu trời Thụy Sỹ suốt bốn mùa.
Hai bên bờ hồ là nơi tập trung của những công trình kiến trúc nhiều sắc màu. Trong đó không thể không nhắc đến nhà thờ Fraumünster - nơi cất chứa kho báu nghệ thuật vô giá của Zurich hay chuỗi ô cửa sổ kính màu độc đáo tại nhà thờ Fraumunste...
Vườn nho bậc thang kè đá trên sườn đồi ở Lavaux, Thụy Sỹ. (Nguồn: VAUD) |
Quà tặng từ thiên nhiên - vườn nho Lavaux
Nếu như Sa Pa của Việt Nam nổi tiếng với ruộng bậc thang thì Lavaux của Thụy Sỹ lừng danh với những vườn nho bậc thang kè đá trên sườn đồi.
Những thửa ruộng bậc thang được kè bằng những bờ kè đá trắng. Cho nên người ta nói nho ở vùng này được hưởng ba loại ánh sáng, ánh sáng từ mặt trời, ánh sáng phản xạ từ mặt hồ Leman và ánh sáng, nhiệt phản xạ từ những bờ kè đá bảo vệ ruộng nho.
Nhờ vậy mà chất lượng nho có hương vị rất đặc biệt và nổi tiếng thế giới.
Qua vùng nho Lavaux, đắm chìm vào vẻ đẹp mê hồn ấy, ta mới hiểu vì sao một vùng quê trồng nho tưởng như rất đỗi bình thường lại được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) phong danh hiệu Di sản thế giới ngang hàng với những kỳ quan thiên nhiên hay những công trình nhân tạo kiệt tác thế giới.
Con người gắn liền với những “kỷ lục”
Bên cạnh những cảnh đẹp hùng vĩ hay nền văn hóa đặc sắc, con người Thụy Sỹ cũng là một trong những yếu tố “gây thương nhớ” tại đất nước này.
Đúng chuẩn về thời gian là một trong những tính cách đặc trưng của người Thụy Sỹ. Đúng giờ và tôn trọng thời gian là cách họ thể hiện sự tôn trọng người khác.
Đó cũng là lý do mà họ làm nên những chiếc đồng hồ Thụy Sỹ tinh xảo đến độ chính xác gần như tuyệt đối được săn lùng trên toàn thế giới.
Thụy Sỹ là nơi duy nhất trên thế giới có 4 ngôn ngữ chính là ngôn ngữ của 4 quốc gia. Ở mỗi vùng miền khác nhau ở Thụy Sỹ, người dân lại sử dụng những ngôn ngữ khác nhau.
Nếu muốn nói tiếng Đức, hãy đến Bern. Sau đó đi về phía Nam, đến Lugano học tiếng Italy và cuối cùng là đi về phía Tây, đến Lausanne để chào "Bonjour" (tiếng Pháp). Ở một số vùng, người dân lại sử dụng tiếng Romansh.
Thụy Sỹ là cỗ máy sản sinh giải Nobel. Đất nước này còn là một “tuyển thủ” toàn cầu trong lĩnh vực học thuật. Quốc gia châu Âu này có 28 người đoạt giải Nobel trong tổng dân số khoảng 8 triệu người
Nơi đây cũng là quê hương của công thức nổi tiếng nhất của Einstein: E=MC2. Dù được sinh ra ở Đức nhưng nhà khoa học thiên tài này đã phát triển Lý thuyết Tương đối nổi tiếng của ông khi đang học tập và sinh sống tại thành phố Bern.
Thụy Sỹ thường xuyên thống trị bảng xếp hạng những quốc gia đáng sống nhất thế giới. (Nguồn: Getty) |
Dân số Thụy Sỹ đang già hóa với tuổi thọ trung bình cao. Tính đến năm 2021, tuổi thọ trung bình của người dân tại đây là 83,97. Tỷ lệ số người trên 100 tuổi ở Thụy Sỹ cũng vào loại cao nhất châu Âu.
Điều này là hoàn toàn hợp lý khi Thụy Sỹ sở hữu bầu không khí trong lành với rất nhiều những con đường mòn để đi bộ, để đạp xe và trên hết là hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Nước này thường xuyên "lọt top" những quốc gia đáng sống, xét theo mức độ an toàn, chất lượng cuộc sống và thu nhập.
Nếu muốn biết cảm giác sống ở đất nước “hạnh phúc nhất thế giới” như thế nào thì Thụy Sỹ là một sự lựa chọn hoàn hảo giúp con người ta “detox” cơ thể và tâm hồn, để có thêm sức mạnh làm tốt những công việc dang dở nơi phố thị ồn ào...
| Điện mừng nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Thụy Sỹ Nhân dịp kỷ niệm 730 năm Quốc khánh Liên bang Thụy Sỹ, Lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện mừng. |
| Một năm rất đặc biệt trong quan hệ Thụy Sỹ - Việt Nam "Ngày Quốc khánh Thụy Sỹ tại Việt Nam năm nay thật đáng chú ý. Không chỉ do Thụy Sỹ kỷ niệm 730 năm thành lập ... |