📞

"Thuyết âm mưu" sau làn sóng dừng bay Boeing 737 MAX 8

16:48 | 15/03/2019
Oriental Daily News, tờ báo có quan điểm trung lập của Hongkong (Trung Quốc), ngày 15/3 có bài phân tích cho rằng, phía sau làn sóng cấm sử dụng máy bay chở khách Boeing MAX 8 trên toàn cầu là biểu hiện của "thuyết âm mưu".

Sự việc có thể sẽ không chỉ giới hạn ở phạm vi của các công ty, mà có xu thế lan sang lĩnh vực thương mại và thậm chí là chính trị và ngoại giao giữa các nước liên quan. 

Đòn giáng mạnh vào uy tín của Boeing

Hôm 10/3 một máy bay chở khách của Hãng hàng không Ethiopia (Ethiopian Airlines) bị rơi khi mới cất cách khoảng 6 phút, khiến toàn bộ 157 người gồm phi hành đoàn và hành khách thiệt mạng. Máy bay gặp nạn là loại máy bay Boeing 737 MAX 8, cùng loại với chiếc máy bay gặp nạn của Hãng hàng không Indonesia Lion Air xảy ra hồi tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng.

Chỉ trong vòng 3 ngày có hơn 40 nước và vùng lãnh thổ quyết định ngừng khai thác Boeing 737 MAX. (Nguồn: Getty Images)

Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng đã xảy ra hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc trên cùng một chủng loại máy bay, khiến mọi người hoài nghi về vấn đề an toàn của máy loại bay chở khách Boeing 737 MAX 8.

Trung Quốc đi đầu khi ban hành lệnh cấm bay đối với toàn bộ dòng máy bay chở khách Boeing 737 MAX. Tiếp sau đó một loạt các ước khác như Anh, Đức, Pháp, Australia, Singapore và Malaysia tuyên bố ngừng bay đối với máy bay chở khách dòng Boeing 737 MAX.

Chỉ trong vòng 3 ngày có hơn 40 nước và vùng lãnh thổ quyết định ngừng khai thác Boeing 737 MAX, thực sự là đòn giáng mạnh vào uy tín của Boeing, đẩy “gã không lồ” trong ngành máy bay của nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử. Liên minh châu Âu (EU) còn cấm dòng máy bay này bay vào không phận EU. Hiện nay dòng máy bay Boeing 737 MAX dường như đã bị cấm bay trên phạm vi toàn cầu.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) ngày 14/3 xác nhận quyết định cấm máy bay Boeing 737 MAX 8 và MAX 9 cho đến khi một phần mềm nâng cấp có thể được thử nghiệm, phê chuẩn và lắp đặt. FAA lý giải quyết định trên bằng cách viện dẫn các dữ liệu vệ tinh và bằng chứng từ hiện trường cho thấy có một số sự giống nhau và "khả năng xuất phát từ cùng một nguyên nhân" giữa vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines hôm 10/3 với vụ chiếc Boeing 737 MAX của Lion Air Indonesia rơi cách đây 5 tháng.

Hãng Boeing ủng hộ quyết định của FAA, đồng thời cho biết, sẽ tiến hành nâng cấp phần mềm đối với "toàn bộ máy bay 737 MAX trong vài tuần tới". Hiện nay dòng máy bay Boeing 737 MAX dường như đã bị cấm bay trên phạm vi toàn cầu.

FAA từng tiếp nhận báo cáo của hai phi công cho biết, máy bay chở khách Boeing 737 MAX 8 sau khi khởi động hệ thống lái tự động đầu máy bay xuất hiện vấn đề chúc xuống dưới. Trong vụ tai nạn hàng không của Indonesia Lion Air hồi năm ngoái, có chuyên gia nghi ngờ do phần mềm của hệ thống đề phòng mất tốc độ mới cập nhật của máy bay dẫn đến thảm họa. Còn trong vụ tai nạn lần này của Ethiopian Airlines, trước đó phi công đã báo cáo điều khiển máy bay gặp khó khăn. Truyền thông Mỹ đưa tin, Hãng Boeing từng liên quan đến vụ che đậy rủi ro tiềm tàng của hệ thống đề phòng mất tốc độ.

Âm mưu phía sau?

Mọi người đều biết, Boeing là doanh nghiệp của Mỹ, dòng máy bay chở khách Boeing 737 MAX là dòng máy bay chủ lực mới của hãng này, vốn tràn đầy niềm tin về việc chiếm lĩnh thị phần. Nhưng sau khi xảy ra sự cố với hãng hàng không Ethiopian Airlines, cổ phiếu của liên tục Boeing lao dốc nhiều ngày.

Điều đáng nói là ngành chế tạo máy bay chiếm vị trí “quan trọng trong quan trọng” trong hệ thống thương mại xuất khẩu của Mỹ. Năm 2018 thâm hụt thương mại của Mỹ lập kỷ lục cao mới trong 10 năm qua. Và trước tác động từ sự cố mới nhất của Boeing, con số thâm hụt thương mại của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Trong khi đó, Trung Quốc là khách hàng lớn của ngành chế tạo máy bay của Mỹ, trong đàm phán thương mại giữa hai nước, Mỹ từng yêu cầu Trung Quốc mua nhiều máy bay chở khách của Mỹ hơn. Chính vì vậy, không ít các nhà phân tích quốc tế cho rằng, Trung Quốc đi đầu quyết định cấm bay đối với dòng máy bay chở khách Boeing 737 MAX là điều khá bất ngờ.

Phía sau hành động này của Trung Quốc, chắc chắn có liên quan đến chiến tranh thương mại Trung - Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, đối thủ cạnh tranh của Boeing là Airbus có quan hệ mật thiết với Liên minh châu Âu (EU). Ba năm trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từng phán quyết EU đã vi phạm quy định, hỗ trợ cho Airbus tranh giành thị phần. Còn Boeing có quan hệ tốt với Chính phủ Mỹ, lần này EU nhanh chóng đưa ra phản ứng, có thể không phải là không có nguyên nhân.

Chuyên gia bình luận thời sự nổi tiếng của Hong Kong, Li Ping, nêu rõ, một dòng máy bay chở khách bị cấm bay, bề ngoài là lý do an toàn, nhưng phía sau đó chính là "thuyết âm mưu".

Trong tương lai, khi mọi thứ đã rõ ràng, có thể sẽ dấy lên làn sóng tố cáo liên hoàn. Đến lúc đó e rằng, không chỉ còn là vấn đề của các công ty, mà sẽ lan sang đến vấn đề quan hệ thương mại, chính trị và ngoại giao giữa các bên.

Dù Boeing tuyên bố thay thế phần mềm liên quan, nhưng chưa hẳn đã xóa bỏ được nghi ngờ của mọi người. Ngay cả Nghiệp đoàn Tiếp viên hàng không Mỹ cũng đã bày tỏ rõ tạm thời không mong muốn các thành viên của mình tiếp tục làm việc trên các máy bay cùng dòng với máy bay đã xảy ra thảm họa.

(theo Oriental Daily News)