📞

Tích cực hội nhập từ địa phương

09:00 | 05/03/2016
Năm 2015, trong thành công chung của công tác đối ngoại không thể thiếu những đóng góp của các địa phương, thông qua sự chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam và các vị lãnh đạo địa phương chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn khu vực Bắc Trung Bộ ở Nghệ An, ngày 29/5/2015. Ảnh: Tuấn Anh.

Tranh thủ nguồn lực phát triển

Trong năm 2015 đã có 41 thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp địa phương được ký kết, trải dài trên các khu vực trên thế giới: châu Á (27 cặp), châu Âu (11 cặp), châu Mỹ (3 cặp) và một số Bản ghi nhớ hợp tác của các địa phương với các doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài.

Các địa phương ngoài thúc đẩy ký kết các thỏa thuận quốc tế, đã chủ động đẩy mạnh, làm sâu sắc và mở rộng quan hệ với các đối tác theo hướng “đa phương hóa, đa dạng hóa” nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương cũng tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư - thương mại, triển khai kế hoạch quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại trong và ngoài nước... Nhờ vậy, đã mở ra nhiều không gian hợp tác, phát triển cũng như cơ hội tiếp cận thị trường và tăng cường xúc tiến đầu tư của các nước nói chung, của các địa phương các nước nói riêng đến với Việt Nam, với các địa phương của Việt Nam.

Trong năm qua, các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, Australia, Nhật Bản, Đức đã hỗ trợ các địa phương xuất khẩu vải, thanh long...; tham gia vào các hoạt động quy mô lớn tại nước ngoài như sự kiện Việt Nam tại Kanagawa (Nhật Bản), các Diễn đàn hợp tác kinh tế tại Israel, Slovakia...

Ngoài ra, các cơ quan Trung ương, đặc biệt là các đơn vị của Bộ Ngoại giao đã quan tâm thúc đẩy công tác đối ngoại địa phương, tổ chức nhiều hoạt động, không gian hợp tác trong nước nhằm hỗ trợ địa phương hội nhập quốc tế và tranh thủ nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Gặp gỡ Đại sứ quán, Gặp gỡ địa phương - Đoàn ngoại giao, Tọa đàm giữa đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài với đại diện doanh nghiệp địa phương.

Tăng cường hợp tác biên giới

Đặc biệt, các địa phương tiếp tục củng cố và chú trọng tăng cường hợp tác với các địa phương của ba nước có chung đường biên giới trên đất liền. Với các địa phương của Lào và Campuchia, các địa phương của Việt Nam, nhất là 10 địa phương giáp biên, đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các nước bạn thông qua đẩy mạnh trao đổi đoàn, ký kết và triển khai thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể, kết nghĩa thôn, bản, đồn trạm giữa hai bên, hỗ trợ các địa phương bạn xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo học sinh, sinh viên, khám chữa bệnh miễn phí.

Với Trung Quốc, so với năm 2014, quan hệ giữa các địa phương giáp biên hai nước năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nhất là sau các chuyến thăm lẫn nhau của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trao đổi đoàn cấp lãnh đạo địa phương diễn ra thường xuyên. Hợp tác thương mại đầu tư giữa các tỉnh giáp biên được đẩy mạnh. Các cơ chế hợp tác được triển khai thuận lợi như cử lãnh đạo tham dự Hội chợ tổ chức tại Việt Nam và Trung Quốc, Phiên họp lần thứ 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban liên hợp giữa 4 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng với Quảng Tây, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và tỉnh Vân Nam... Tiếp tục triển khai cơ chế giao ban thường niên giữa các huyện biên giới, ký kết biên bản hợp tác và cử cán bộ, học sinh sang học tập tại Trung Quốc.

Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương giáp biên của các tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên chấp hành tốt Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới Việt - Lào; ba văn kiện biên giới Việt - Trung; Hiệp ước, Hiệp định và Thỏa thuận liên quan giữa Việt Nam - Campuchia; triển khai thực hiện tốt các nội dung Đề án giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú tuyến biên giới Việt Nam - Lào theo lộ trình đề ra, Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên); duy trì thường xuyên hoạt động giao ban định kỳ về an ninh trật tự, phối hợp chặt chẽ trong tuần tra song phương, đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm; tiếp tục thực hiện chủ trương thiết lập quan hệ hữu nghị thôn-bản, đồn-trạm biên phòng, cụm dân cư biên giới.

Với biên giới trên biển, các tỉnh/thành ven biển đã tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho ngư dân không khai thác, đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, phổ biến các chủ trương, chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư đóng mới tàu đánh bắt xa bờ; tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm, giữ vững an ninh trật tự và môi trường sinh thái biển.

Quảng bá bản sắc dân tộc

 Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh/thành chú trọng chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc, vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, các địa phương đều phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong việc cấp phép, hướng dẫn, quản lý hoạt động của các phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại địa phương. Theo thống kê, các địa phương đã phối hợp đón 1.700 phóng viên của hơn 370 đoàn phóng viên nước ngoài vào đưa tin, viết bài về Việt Nam.

Các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động lớn, các lễ hội văn hóa có yếu tố nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, bản sắc dân tộc, thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước tham dự, như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk; Lễ hội pháo hoa quốc tế - Đà Nẵng; Lễ hội trái cây Nam Bộ và Lễ hội Bonsai châu Á - Thái Bình Dương; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE lần thứ 11; Festival Trà Thái Nguyên lần thứ III... Nhiều địa phương đã thông qua Ủy ban quốc gia USESCO của Việt Nam để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản, danh hiệu đã được UNESCO công nhận cũng như tích cực tham gia công tác chuẩn bị hồ sơ, vận động cho các danh hiệu mới.

Gắn kết với cộng đồng ở nước ngoài

Thực hiện Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, các địa phương dành nhiều quan tâm, có nhiều chương trình, hoạt động tạo sự gắn kết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, coi họ là cầu nối quan trọng trong việc kết nối hợp tác giữa các tỉnh/thành với các nước. Trong năm, các tỉnh/thành phố đều tổ chức gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán, trại hè cho thanh niên kiều bào, thường xuyên kết nối chặt chẽ với Hội đồng hương tại các nước, trao tặng bằng khen cho kiều bào có thành tích đóng góp cho địa phương, qua đó thắt chặt thêm tình cảm gắn bó với quê hương cũng như kêu gọi vốn đầu tư vào tỉnh nhà. Tính đến cuối năm 2015, có thêm 266 doanh nghiệp kiều bào đầu tư với số vốn đăng ký là 8.646 tỷ đồng và vốn góp đăng ký là 4.530 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, dược phẩm, hóa chất, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, công nghệ cao, công nghệ phần mềm.

Trong thời gian tới, nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện theo lộ trình các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong WTO, TPP và các FTA thế hệ mới. Tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn sẽ đặt ra cho công tác hợp tác quốc tế của địa phương nhiều thách thức. Do vậy, các địa phương cần quán triệt và bám sát triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về đối ngoại như Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, Nghị quyết 272; tăng cường ký kết thỏa thuận quốc tế theo hướng thực chất, thiết thực cũng như có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các FTA cho các đơn vị, doanh nghiệp của địa phương, cải cách thủ tục hành chính...; từ đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, mở ra cơ hội thu hút các nguồn vốn mới phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tạo ra nền tảng vững chắc cho các địa phương tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển.