Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Chính phủ Indonesia ngày 28/12 đã huy động lực lượng đa quốc gia nhằm tìm kiếm chiếc máy bay Airbus mang số hiệu QZ8501. Tại cuộc họp báo diễn ra tối 28/12 tại trụ sở Trung tâm tìm kiếm và cứu hộ quốc gia, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla – người đứng đầu cuộc tìm kiếm cho biết đã huy động tất cả các lực lượng quân sự và dân sự cả trong nước và nước ngoài cho chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay đã phải tạm dừng vào lúc 17h30 (giờ địa phương). Hoạt động tìm kiếm được nối lại vào sáng nay 29/12 và tập trung ở khu vực đảo Belitung ở phía Đông Indonesia.
Theo thông tin mới cập nhật, trong một phát biểu trước báo chí ngày 29/12, Ông Soelistyo, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia, cho biết nhiều khả năng chiếc máy bay QZ8501 đã rơi xuống biển.
Hãng AirAsia đã thành lập Trung tâm Cứu nạn khẩn cấp dành cho các gia đình, thân nhân của những hành khách có mặt trên chuyến bay QZ8501 tại sân bay Juanda ở Surabaya, Indonesia. Hãng này cũng đã thiết lập đường dây nóng thông qua số điện thoại +622129850801. Những thông tin liên quan đến vụ việc cũng được cập nhật trên trang web chính thức của hãng www.airasia.com.
Ngay sau khi nhận được tin máy bay QZ-8501 mất tích, nhiều nước đã đề nghị hỗ trợ tìm kiếm.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Malaysia đã mở ''Trung tâm hoạt động 24 giờ'' để theo dõi tình hình chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của AirAsia mất tích. Trong tuyên bố ra cùng ngày, Bộ trên cho biết có thể liên lạc với trung tâm hoạt động 24 giờ theo số + 603-88874570 và + 603-88892746. triển khai 3 tàu, một máy bay C130 Hercules và thành lập Trung tâm điều phối cứu nạn.
Singapore cũng thành lập trung tâm tương tự ở sân bay quốc tế Changi. Cục điều tra sự cố hàng không Singapore thông báo đã đề nghị cử hai nhóm chuyên gia cùng hai bộ thiết bị dò tìm dưới nước để hỗ trợ nhà chức trách Indonesia tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu QZ5801 của hãng hàng không AirAsia (Malaysia) bị mất tích khi đang trên hành trình từ Indonesia đến Singapore. Quân đội Singapore cũng điều động thêm hai máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực nằm giữa Tanjun Pandan và Pontianak ở Tây Kalimantan của Indonesia vào ngày 29/12.
Hãng Yonhap(Hàn Quốc) đưa tin Seoul sẽ điều máy bay tuần tra đến hỗ trợ Indonesia. Hàn Quốc cũng là nước có hành khách trong chuyến bay QZ8501.
Ấn Độ huy động 3 tàu thủy và một máy bay giám sát hàng hải sẵn sàng chờ lệnh xuất phát. Máy bay giám sát P-8I thuộc loại hiện đại được Ấn Độ sử dụng giám sát các hoạt động trên biển và tham gia hoạt động chống tàu ngầm trong trường hợp cần thiết.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẵn sàng hỗ trợ công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của AirAsia. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Nhà chức trách trong khu vực đang dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Như chúng tôi từng làm trước đây, Mỹ sẵn sàng bằng mọi cách hỗ trợ (cuộc tìm kiếm)". Người phát ngôn Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cũng cho hay cơ quan này đang theo dõi sát tình hình và sẵn sàng hỗ trợ nhà chức trách Indonesia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích nếu cần thiết.
Ngày 29/12, Không quân Australia triển khai một máy bay tuần tra biển AP-3C Orion hỗ trợ hoạt động tìm kiếm QZ8501 của Indonesia. Chiếc AP-3C Orion đã rời Darwin vào sớm nay.
Về phía Việt Nam, được tin chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 của hãng Hàng không AirAsia mất liên lạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P. Marsudi để thăm hỏi và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng với các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay nếu có yêu cầu.
Chiếc máy bay Airbus A320 rời sân bay quốc tế Juanda tại Surabaya ở Đông Java vào lúc 5h20 sáng và theo dự kiến sẽ tới Singapore lúc 8h30 (00h30 GMT), bị mất liên lạc với Jakarta vào lúc 7h55 (giờ địa phương). Chiếc Airbus A320 là máy bay của liên doanh hàng không giá rẻ Indonesia AirAsia, một đơn vị độc lập của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á AirAsia, có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia.
M.N (tổng hợp)