📞

Tiêm kích 'diều hâu non' KF-21 ghi dấu ấn trong quan hệ quốc phòng Indonesia-Hàn Quốc

Lê Ngọc 10:58 | 20/04/2021
Hàn Quốc giới thiệu với Indonesia mẫu thử nghiệm máy bay phản lực chiến đấu đa năng, tiêm kích KF-21 Boramae, (có nghĩa là Diều hâu non).
Hàn Quốc và Indobesia đang rất kỳ vọng vào máy bay phản lực chiến đấu đa năng KF-X/IF-X (Nguồn: Air Recognition)

Ngày 9/4, trước sự chứng kiến của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, Hàn Quốc đã giới thiệu mẫu thử nghiệm máy bay phản lực chiến đấu đa năng - tiêm kích KF-21 Boramae (tiếng Hàn có nghĩa là “Diều hâu non”, trước đây gọi là KF-X).

Đây là chương trình có 60% cổ phần của Chính phủ Hàn Quốc, 20% của Chính phủ Indonesia và 20% của các tập đoàn Hàn Quốc.

Bước ngoặt về hợp tác quốc phòng

Các khách mời của lễ giới thiệu cũng được xem video ​​phát biểu chúc mừng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân dịp Hàn Quốc ra mắt nguyên mẫu máy bay chiến đấu KF-X. Đây được xem như thời điểm “mang tính bước ngoặt” đối với Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Hàn Quốc và Indonesia.

Quyết định phát triển một máy bay chiến đấu bản địa của Seoul được thúc đẩy bởi mong muốn tự cung tự cấp, cùng với niềm tự hào dân tộc.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của Bộ trưởng Prabowo tại lễ giới thiệu đã thể hiện cam kết của Jakarta trong việc mua KF-21, qua đó, đa dạng hóa hơn nữa đội máy bay của Không quân Indonesia, hạn chế sự phụ thuộc vào bất kỳ một nhà cung cấp nước ngoài nào.

Hiện phần lớn máy bay chiến đấu của Indonesia do Mỹ và Nga sản xuất.

Chuyến bay thử nghiệm KF-21 Boramae đầu tiên dự kiến sẽ được tiến hành ​​vào năm 2022 và bắt đầu được chế tạo ​​vào năm 2026.

Vào năm 2028, sẽ có ít nhất 40 máy bay dự kiến ​​được chuyển giao. Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ sở hữu tổng cộng 120 chiếc vào năm 2032 và có thể sẽ xuất khẩu sang các nước khác.

Ở Indonesia, KF-X được gọi là chương trình IF-X và chiếc máy bay hoàn thiện sẽ nhận được định danh là F-33.

Lý do Boramae hút khách?

Dựa trên các thông tin công khai, KF-21 được cho là vượt trội so với các máy bay chiến đấu tiên tiến không tàng hình đương đại như F-16 (Mỹ), hay Dassault Rafale (Pháp).

Điểm nổi bật của Boramae là tầm hoạt động lớn hơn, hệ thống điện tử hàng không và khả năng tác chiến điện tử tiên tiến hơn, cùng với radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) do Hàn Quốc sản xuất, giúp cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu so với các công nghệ radar trước đó, và sử dụng vũ khí hiệu quả hơn.

KF-21 được thiết kế để sở hữu khả năng tàng hình cơ bản, kém hơn các máy bay chiến đấu tàng hình chính thức như F-35, nhưng lại có lợi thế hơn so với các đối thủ tiềm năng không tàng hình.

Khi được kết hợp với một gói vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar và hồng ngoại tiên tiến để bắn hạ máy bay đối phương và các vũ khí không đối đất, bao gồm tên lửa chính xác, bom dẫn đường, thật dễ hiểu khi Indonesia đặt hàng tới 50 chiếc.

Bối cảnh quan trọng cho 50 chiếc KF-21

Liên quan đến đơn đặt hàng 50 chiếc KF-21 của Indonesia, có thể thấy Jakarta có 2 cân nhắc lớn - khả năng phòng thủ lãnh thổ rộng và sự lỗi thời của đội máy bay.

Liên quan đến không phận, Không quân Indonesia (TNI-AU) có nhiệm vụ bao quát lãnh thổ và vùng trời có chủ quyền rộng lớn, chưa kể các nhiệm vụ trên vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ) mở rộng của nước này.

Nhiệm vụ này đòi hỏi một số lượng máy bay đủ lớn mà TNI-AU hiện chỉ có 101 máy bay chiến đấu và 6 máy bay tuần tra biển. Do đó, việc TNI-AU mua 50 máy bay chiến đấu Boramae trong vài năm tới để duy trì an ninh quốc gia không phải là một đề xuất phi lý.

Bên cạnh đó, 50 chiếc KF-21 có thể sẽ thay thế cho một số hoặc tất cả các máy bay chiến đấu đã lỗi thời của Indonesia như 5 chiếc Su-27 do Nga sản xuất, hay những chiếc F-16A và F-16B của Mỹ được đặt hàng vào năm 1989, chiếc BAE Hawk Mk 109 của Anh hay 30 máy bay phản lực Mk 209 được chuyển giao vào năm 1997.

Nếu tất cả các máy bay phản lực này được thay thế bởi loạt Boramae thì tổng số máy bay chiến đấu của TNI-AU chỉ lên tới con số 106 chiếc (tăng 5 chiếc so với hiện nay), điều này là hoàn toàn bình thường.

Hiện đại hoá quốc phòng, duy trì lợi ích quốc gia

Thương vụ bán KF-21 là một cuộc "tập trận" về ngoại giao quân sự, chiến lược và công nghiệp của chính quyền Tổng thống Moon nhằm ủng hộ “Chính sách phương Nam mới” của Seoul. Từ quan điểm của Jakarta, việc mua sắm Boramae có lẽ nhằm thực hiện việc hiện đại hóa kịp thời cho TNI-AU trong khi vẫn duy trì các lợi ích quốc gia.

Indonesia và Hàn Quốc đã theo đuổi hợp tác quốc phòng như một phần của mối quan hệ ngoại giao, bắt đầu từ năm 1971. Hai nước đã ký một thỏa thuận quốc phòng vào năm 2013 và sự hợp tác trong các dự án tiếp tục được tiến hành ở những cấp độ khác nhau, từ tàu ngầm đến việc phát triển máy bay chiến đấu KF-X/IF-X mới.

Hai bên đã tìm cách thúc đẩy hơn nữa hợp tác an ninh trong những năm gần đây bất chấp những thách thức. Ngoài các bước như phê chuẩn thỏa thuận quốc phòng, hai nước cũng đã thảo luận về những nỗ lực mới tiềm năng, bao gồm các cơ chế tham vấn bổ sung và hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Sự tham gia của Tổng thống Joko Widodo và Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo trong triển khai KF-X được coi là một tín hiệu biểu tượng về sự thừa nhận của Jakarta về vai trò của KF-X/IF-X trong mối quan hệ quốc phòng rộng lớn hơn.

Trên thực tế, ông Widodo đã đề cập dự án là một công trình đang được tiến hành nhằm đáp ứng nhu cầu của cả hai quốc gia trong nhiều thập kỷ tới.

Tuy nhiên, trái ngược với một số suy đoán trước đó, chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo không đi kèm với bất kỳ động thái nào về cách tiếp cận của Indonesia đối với chương trình máy bay chiến đấu nói trên.

(theo The Diplomat)