TIN LIÊN QUAN | |
VSAK: Cộng đồng của những người Việt trẻ nhiệt huyết | |
Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác lĩnh vực văn hóa |
Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh, đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Văn hoá Nga, nhiều viện nghiên cứu về Việt Nam và ASEAN, Hội Hữu nghị Nga - Việt Nam, Quỹ Hòa bình, cùng đông đảo các nhà Việt Nam học, giáo viên và sinh viên khoa tiếng Việt của một số trường đại học của Nga và các cán bộ chủ chốt Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.
Toàn cảnh Tọa đàm. (Nguồn: ĐSQ) |
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bề dày lịch sử lâu dài; là bộ phận cấu thành quan trọng trong tổng thể mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa luôn được lãnh đạo hai nước chú trọng quan tâm thúc đẩy phát triển. Trong thời gian qua, hai nước thường xuyên tiến hành trao đổi đoàn ở các cấp, cả trung ương lẫn địa phương để trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong lĩnh vực văn hoá, tuyên truyền.
Hai bên đã tổ chức định kỳ luân phiên các hoạt động hợp tác văn hóa theo các thỏa thuận đã ký như “Những ngày văn hóa Việt Nam”, "Tuần phim Việt Nam” tại Nga và ngược lại, “Những ngày Hà Nội tại Moscow”, “Những ngày Moscow tại Hà Nội”; tổ chức các triển lãm ảnh, tranh, hội thảo, cũng như làm phóng sự, viết bài về đất nước và con người của nhau; xuất bản các cuốn sách giới thiệu về văn hóa và văn học của hai nước...
Đại sứ Ngô Đức Mạnh (giữa) phát biểu tại Tọa đàm. (Nguồn: ĐSQ) |
Nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tháng 6/2017, lãnh đạo hai bên nhất trí sẽ tiến hành tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam vào năm 2019. Đây là hoạt động có quy mô lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn hoá. Đặc biệt, sắp tới hai bên sẽ ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2019 - 2020. Đại sứ mong muốn tại hội thảo này, các đại biểu tích cực trao đổi những biện pháp thiết thực nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước trong thời gian tới.
Các tham luận trình bày tại hội thảo đã có những đánh giá thực chất về thực trạng hợp tác văn hoá giữa hai bên trong thời gian qua. Ghi nhận những kết quả khá tích cực trong hợp tác văn hoá giữa Việt Nam- Liên bang Nga, các diễn giả thẳng thắn đề cập tới những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cụ thể để thúc đẩy hơn nữa hợp tác văn hoá giữa hai nước trong thời gian tới nhằm góp phần tăng cường tuyên truyền về đất nước và con người, giới thiệu những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc của mỗi nước, qua đó nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt giữa thế hệ trẻ hai nước góp phần phát triển hợp tác văn hóa giữa hai nước hiệu quả hơn.
Các đại biểu nhất trí cho rằng văn hóa Nga đã đi sâu vào tiềm thức bao thế hệ người Việt Nam, tuy nhiên sau khi Liên Xô tan rã, việc tuyên truyền về nước Nga, đặc biệt về văn hoá Nga bị ngưng trệ trong thời gian khá dài. Gần đây, với nỗ lực của cả hai phía, tình hình đã được cải thiện, song kết quả vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và tiềm năng hợp tác của cả hai bên.
Giáo sư Grigory Lokshin, nhà Việt Nam học thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cho rằng: "Những vấn đề hôm nay chúng ta thảo luận có ý nghĩa rất quan trọng bởi đã chín muồi từ lâu. Với tư cách là một người đã dành trọn cuộc đời để vun đắp cho mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam, tôi cảm thấy rất lo lắng về việc giới trẻ Việt Nam ít được tiếp cận với thông tin mới về nước Nga ngày nay và nền văn hoá Nga”. Ông đề nghị các cơ quan, ban, ngành hai nước nỗ lực hơn nữa để nhân dân hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia Nga. (Nguồn: ĐSQ) |
Chia sẻ ý kiến này, bà Elena Zubtsova - nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, nhấn mạnh: "Trong những năm qua, đại đa số người Việt Nam không biết mấy về nước Nga hiện nay về mọi mặt. Còn ở Nga, người dân chỉ biết đến Việt Nam như là nơi có thể đi du lịch, nghỉ dưỡng với nhiều bãi biển đẹp mà thôi, chứ không biết gì về văn hóa, tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam". Theo bà, cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực truyền thông để giúp người dân nắm rõ tình hình của mỗi nước.
Tại hội thảo, một số nhà Việt Nam học đã giới thiệu một số cuốn sách mới được xuất bản viết về Việt Nam và sách dịch từ các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam và Nga. Các đại biểu vui mừng nhận thấy phong trào học tiếng Việt ở Nga đang có chiều hướng tăng lên. Đây là tín hiệu tích cực trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nga.
Cô Elena Chimenheva, giáo viên dạy tiếng Việt cho cán bộ ngoại giao Nga chia sẻ: "Bây giờ ở Nga có rất nhiều người muốn học tiếng Việt, muốn biết nhiều về Việt Nam. Mặc dù tiếng Việt đối với người Nga hết sức phức tạp, nhưng cán bộ giảng dạy rất cố gắng truyền đạt những hiểu biết tiếng Việt, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam cho người học. Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là làm sao ở nước Nga có nhiều sách giáo khoa tiếng Việt cho người nước ngoài, và cần tạo điều kiện để sinh viên học tiếng Việt có cơ hội sang Việt Nam thực tập, đọc nhiều tác phẩm văn hóa Việt Nam, tham quan triển lãm, hội họa...".
Kết luận hội thảo, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; bày tỏ hy vọng những kinh nghiệm, sự hiểu biết và sáng kiến được trình bày hôm nay sẽ giúp Đại sứ quán triển khai có hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng bền chặt hơn.
Thêm cơ hội cho sinh viên Việt Nam tại ĐH hàng đầu nước Nga MGU Sắp tới, sinh viên Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội học tập ở Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov (Nga). |
Sản xuất sữa công nghệ cao trên... tuyết trắng Từ tư duy vượt trội “đứng trên vai người khổng lồ”, sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, TH true MILK đã ... |