📞

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài

Tin/ảnh: Anh Sơn 16:45 | 10/06/2021
Hơn 600 thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam vừa được Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế phối hợp tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Cán bộ ngoại giao Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Trong các ngày 9-10/6, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, hơn 600 thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Đây là một trong những đối tượng được Nhà nước ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong bối cảnh Bộ Ngoại giao được Chính phủ giao nhiệm vụ cùng Bộ Y tế là cơ quan chủ công trong việc đẩy nhanh tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam, bao gồm thông qua chương trình Tiếp cận Toàn cầu Vaccine Covid-19 (COVAX).

Trong đợt tiêm chủng lần này, các cơ quan đại diện được sắp xếp tiêm thành 4 buổi (sáng, chiều trong 2 ngày 9-10/6) và chia đoàn theo các khung giờ khác nhau để đảm bảo việc giãn cách, tuân thủ nghiêm túc quy tắc phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế.

Trước khi tiêm, thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam tiến hành khai báo y tế; được khám sàng lọc: đo thân nhiệt, huyết áp, khai báo tiền sử bệnh lý và được bác sĩ thăm khám, tư vấn chu đáo.

Các buổi tiêm vaccine diễn ra thuận lợi, không có phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra. Trao đổi với phóng viên, một số thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam và đặc biệt là công tác hỗ trợ tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm.

Việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 này sẽ lần lượt được triển khai cho toàn bộ thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Cho đến nay, các cán bộ, nhân viên ngoại giao của Việt Nam ở nhiều địa bàn nước ngoài cũng đã được tiêm các loại vaccine ngừa Covid-19 đã được WHO cấp phép như: Pfizer-BioNTech, Astra Zeneca, Moderna, Sputnik V, Sinovac…

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công vaccine phòng bệnh, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine ngừa Covid-19 để sớm nhập khẩu vaccine sử dụng ở trong nước.

Với mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp triển khai quyết liệt nhiệm vụ này. Qua đó, Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn vaccine của các nước, các tổ chức quốc tế nhằm đóng góp vào chiến lược tiêm chủng của Việt Nam.

Với chủ trương tham gia COVAX từ sớm, tháng 12/2020, Việt Nam đã gửi hồ sơ cho cơ chế này đề xuất hỗ trợ vaccine. Trên cơ sở đó, COVAX đã phân bổ vaccine và cam kết cung cấp cho Việt Nam số lượng vaccine bảo đảm tiêm chủng cho 20% dân số, tương đương với gần 39 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.

Tính đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 2,5 triệu liều vaccine Covid-19 theo cơ chế COVAX. Đây là một phần trong tổng số 4,1 triệu liều vaccine, trị giá lên tới 17 triệu USD, được COVAX cam kết cung cấp cho Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2021.

Các lô còn lại về đến Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm 2022. Toàn bộ vaccine được COVAX cung cấp miễn phí thông qua UNICEF.

Trước khi tiêm, thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tiến hành khai báo y tế.
Sau đó được các nhân viên y tế khám sàng lọc.
và tư vấn của bác sĩ khi khám sàng lọc.
Nhân viên y tế giải thích kỹ và người tiêm được kiểm tra vaccine trước khi tiêm.