Việt Nam, vốn được coi là thành trì vững chắc trước đại dịch Covid-19, đang trải qua làn sóng tấn công thứ tư của virus SARS-CoV-2. Cùng với sự phát triển của các loại vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới, Việt Nam chuyển từ chiến thuật chỉ khoanh vùng, dập dịch sang vừa khoanh vùng dập dịch, vừa chủ động tấn công.
Nhân viên y tế trong bộ áo dài đang hướng dẫn người dân đăng ký tờ khai y tế trên mạng và sự nghiêm túc của người dân ngồi đợi đến lượt được tiêm vaccine. (Ảnh: Minh Hòa) |
Kỷ luật và chuyên nghiệp
Trong những ngày TP. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thành phía Nam vừa gồng mình chống dịch, vừa phổ cập vaccine đến người dân thì TP. Hà Nội cũng bước vào đợt giãn cách thứ hai theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Cũng thời gian này, chính quyền Thủ đô cũng bắt đầu triển khai các đợt tiêm chủng cho người dân. Do tính chất công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, báo TG&VN đã gửi công văn đến Bệnh viện Bạch Mai để đăng ký tiêm vaccine cho toàn bộ cán bộ, nhân viên của Báo.
TS. BS. Nguyễn Thị Lan Anh (Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi giải quyết cho trên 1.500 người tiêm, duyệt công văn sao cho đúng chủ trương của Chính phủ, của các Bộ, đúng đơn vị, đúng người.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp nhận khoảng 1.000 cuộc gọi để giải đáp, chưa kể đến các đơn vị đã được duyệt tiêm liên hệ lại để trao đổi về thời gian tiêm, thay đổi danh sách vì nhiều lý do, rồi 1.001 câu hỏi khác… Chính vì thế, dù giải đáp cho ai thì chúng tôi đều cố gắng trả lời nhanh nhất có thể, đủ thông tin rồi cúp máy để có thể nhận các cuộc gọi khác”.
Dù được hướng dẫn hết sức cụ thể, nhưng trước khi tiêm, nhiều người còn băn khoăn. Mạng xã hội tồn tại nhiều thông tin gây nhiễu: nào là có nên tiêm vaccine không? Sao có người tiêm vaccine rồi mà vẫn nhiễm Covid-19? Rồi sao có trường hợp chết sau khi tiêm vaccine? Không biết đến tiêm thì có cảnh chen lấn, xô đẩy không? Những thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội và không được giải đáp cụ thể khiến cả người đăng ký tiêm rồi cũng “vừa đăng ký, vừa lo”.
Chính vì vậy mà Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Bệnh viện Bạch Mai trở thành “tổng đài” trực chiến, giải quyết không chỉ các nguyện vọng đăng ký tiêm vaccine mà cả các vấn đề liên quan.
Đăng ký thành công, nhưng hành trình đến khi tiêm thành công còn phải trải qua quá trình khám sàng lọc kỹ lưỡng, loại trừ toàn bộ các dấu hiệu có thể ảnh hưởng đến quá trình cơ thể tiếp nhận vaccine, từ các tiền sử bệnh nền, dị ứng, huyết áp cao - thấp, ho… hay đang trong quá trình điều trị bệnh khác. Sau khi tiêm còn phải theo dõi tại chỗ, đo thân nhiệt, nhịp tim… rồi khi về nhà tự theo dõi tiếp và thông báo ngay cho các đơn vị “trực chiến” nếu thấy có bất thường.
Niềm tin trong đại dịch
Tôi nhớ lại thuở ấu thơ vào những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi đều phải tiêm các loại vaccine như sởi, bạch hầu… Đến các đợt tiêm chủng, loa phường sẽ phát đi các thông tin cụ thể về loại vaccine, thời gian, địa điểm, độ tuổi… Khi đó, đám trẻ con chúng tôi nhiều đứa còn tự đến tiêm, xong rồi thoải mái chạy nhảy.
Diễn biến ngày càng phức tạp của các loại dịch bệnh khiến cuộc đấu tranh sinh tồn của loài người trở nên khó khăn hơn.
Bác tôi - là bác sỹ, nay đã về hưu, luôn dặn chúng tôi: “Nếu quay lưng với vaccine, dịch bệnh xảy ra thì sẽ có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người đối mặt với nguy cơ tử vong. Còn khi tiêm vaccine, chúng ta phải chấp nhận một sự thật khoa học, đó là sẽ có ít nhất 1-4 ca tử vong/1 triệu trường hợp được tiêm, với bất cứ loại vaccine nào”.
Ngày đoàn báo TG&VN đến tiêm vaccine đúng ngày gần 200 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai do GS.TS.
Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn đầu tham gia chi viện cho miền Nam.
Chúng tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi chứng kiến “đội quân áo trắng” thiện chiến, tinh nhuệ với đủ tất cả mọi chuyên khoa của Bệnh viện Bạch Mai hăng hái xuất phát và sẽ tác chiến ngay khi đến TP. Hồ Chí Minh.
Trong sự căng thẳng như thời chiến, khu nhà Hội nghị Quốc tế A11 của Bệnh viện Bạch Mai khiến chúng tôi bình tĩnh lại khi chứng kiến những tà áo dài xanh mát rượi của các nữ nhân viên hỗ trợ tại tòa nhà.
Với mái tóc búi cao gọn gàng, khẩu trang đầy đủ, các em hướng dẫn cụ thể cho từng người đến tiêm vaccine các thủ tục như khai báo y tế, kiểm tra các tờ khai đã khai đúng, khai đủ chưa… Các khung giờ tiêm cũng được phân bổ khoa học nên số người đến tiêm và ra về đều đặn, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm chéo.
Khi khám sàng lọc, các bác sỹ tiếp tục đo huyết áp, khám và nghe tim mạch và tiếp tục hỏi sâu về lịch sử bệnh khi có nghi vấn.
Đoàn của Báo có 34 người thì có bốn người phải về điều trị dứt điểm các triệu chứng bệnh hiện có và tiêm bổ sung sau. Những người đủ điều kiện tiêm được hướng dẫn lên tầng hai, tiếp tục khám sàng lọc và vào tiêm theo đúng số thứ tự phòng tiêm được ghi trên phiếu.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19. |
Tôi là người cuối cùng trong Đoàn được tiêm.
Trước khi tiêm, điều dưỡng Nguyễn Đức Hòa thông tin loại vaccine tôi được tiêm là Astra Zeneca. Theo thói quen, tôi đưa cánh tay bên phải vì bên trái hay đeo túi thì anh hỏi tôi: “Chị thuận tay nào? Nếu thuận tay phải thì nên tiêm tay trái, để nếu chỗ tiêm có tấy đau, sẽ không ảnh hưởng đến việc làm hàng ngày.
Có lẽ kim tiêm vaccine chất lượng rất cao nên tôi gần như không có cảm nhận là mình đã bị tiêm. Không chỉ mình tôi, nhiều người trong Đoàn cũng chia sẻ rằng, hóa ra tiêm vaccine chẳng hề đau.
Do sức khỏe tôi khá ổn định, nên chỉ sau khi tiêm 30 phút, tôi được kiểm tra huyết áp và nhịp tim, rồi nộp lại phiếu sàng lọc. Với một số trường hợp như huyết áp cao, bệnh nền... sẽ được các bác sỹ chỉ định theo dõi 60 phút.
Trong lúc ngồi đợi theo dõi tình trạng sức khỏe sau tiêm, tôi nhận được tin nhắn chia sẻ của Rashmi Dash, một người bạn Ấn Độ - là cô giáo dạy tiếng Anh ở trường Đại học Thăng Long, cũng đi tiêm vaccine theo đăng ký của trường. Chị rất cảm động vì không ngờ là được đi tiêm vaccine sớm như vậy, mà lại là tiêm miễn phí.
Rashmi nói: “Tôi quá là ngạc nhiên vì ngoài Ấn Độ, tôi cũng từng sống ở Hàn Quốc nhiều năm, tôi chưa bao giờ được khám bệnh và tiêm vaccine miễn phí”.
Khi được tôi giải thích rằng, chính sách Chính phủ Việt Nam tiêm miễn phí vaccine cho mọi người dân Việt Nam và những người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam, chị rất ngạc nhiên và cảm động. “Đây là sự ưu việt của Chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh và tôi muốn nói lời cảm ơn tới Nhà nước Việt Nam, đội ngũ y tế của các bạn và cả trường Đại học Thăng Long – nơi tôi làm việc”, chị nói.
Cũng như không hề đau khi tiêm, cái nắng “rám trái bưởi” khá oi ả ngoài hiên dường như chẳng làm tôi cảm thấy nóng.
Lòng tôi chùng lại khi thấm thía rằng, bản thân đã được tiêm vaccine khi nhiều người dân trên cả nước chưa được tiêm, trong đó có nhiều đồng bào đang vật lộn chống chọi trong tâm dịch.
Không chỉ riêng tôi, mà tôi tin rằng, hàng triệu người Việt Nam đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đều có trách nhiệm trong việc chia sẻ khó khăn với đồng bào mình, theo cách nào đó tích cực nhất.
| Tại sao tiêm đủ 2 liều vaccine rồi vẫn có nguy cơ mắc Covid-19? Cho dù các loại vacicne Covid-19 hiện nay có hiệu quả cao thì một số ít người đã tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn có ... |
| Những đối tượng nào phải trì hoãn tiêm vaccine Covid-19? Trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng vaccine Covid-19 phải khám sàng lọc kỹ càng để phát hiện các bệnh cấp tính mà người tiêm ... |