Nhỏ Bình thường Lớn

Tiền Giang mở không gian thu hút đầu tư mới

40 dự án, với tổng vốn đầu tư 53.986 tỷ đồng đã được Tiền Giang quảng bá với nhà đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư năm 2024. Tỉnh mong muốn đón các nhà đầu tư; trong đó, có nhà đầu tư kiều bào đến nghiên cứu, đầu tư khu dân cư, khu đô thị biển, cảng biển, du lịch biển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về tiến độ dự án cầu Rạch Miễu 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về tiến độ dự án cầu Rạch Miễu 2.

Tiền Giang có vị trí địa kinh tế thuận lợi, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (như vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá và những giá trị văn hóa của vùng sông nước); là địa bàn trung chuyển, kết nối giữa các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - đô thị biển, kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ và thương mại, được xem là một trong những cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp

Tin liên quan
Tiền Giang: Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoạt động hiệu quả Tiền Giang: Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoạt động hiệu quả

Vị trí địa lý thuận lợi giúp Tiền Giang dễ dàng kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Tỉnh còn tập trung phát triển hạ tầng kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng, với ba vùng trọng điểm phát triển là vùng kinh tế ven biển, vùng công nghiệp Tân Phước và vùng kinh tế dọc sông Tiền. Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ là cơ sở vững chắc để tỉnh tạo đột phá trong thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Tiền Giang có hệ sinh thái nông nghiệp rất đa dạng, có diện tích trồng lúa 136 ngàn ha, diện tích cây ăn trái hơn 81 ngàn ha, diện tích rau màu thực phẩm hơn 54 ha, có bờ biển dài 32 km với hàng ngàn ha bãi bồi ven biển, thích hợp trong nuôi trồng các loài thủy, hải sản và phát triển đa dạng kinh tế biển; cùng với các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp đã được đầu tư như: Cảng cá Mỹ Tho, Cảng cá Vàm Láng, chợ trái cây Hòa Khánh, chợ trái cây Vĩnh Kim, khu xay xát lúa gạo ở huyện Cái Bè… Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, Tiền Giang đảm bảo cho sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến quy mô lớn.

Đặc biệt, Tiền Giang còn dư địa để phát triển các khu - cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt còn quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp tại: Huyện Tân Phước, vùng Gò Công; không gian kinh tế biển còn nhiều tiềm năng (khu vực biển Gò Công, Cồn Ngang), chưa được khai thác.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 3 khu công nghiệp đang hoạt động ổn định, với tổng diện tích khoảng 816 ha gồm: Khu công nghiệp Mỹ Tho, Khu công nghiệp Tân Hương lấp đầy 100%; Khu công nghiệp Long Giang lấp đầy 83%.

Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp với quy mô 285 ha, hiện đã có sẵn mặt bằng, san lấp, xây dựng tường rào bảo vệ, hạ tầng hoàn chỉnh để thu hút mời gọi nhà đầu tư thứ cấp,... Khu công nghiệp Bình Đông với diện tích 212 ha đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang thực hiện các bước giải phóng mặt bằng; Khu công nghiệp Tân Phước 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thu hút được 112 dự án (trong đó có 85 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư khoảng 2.572 triệu USD (vốn đầu tư FDI) và 4.487 tỷ đồng (vốn đầu tư DDI). Các cụm công nghiệp thu hút 68 dự án, trong đó có 6 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD và 999 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh thu hút được 43 dự án đầu tư (có 17 dự án vốn đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 ngàn tỷ đồng. 7 tháng đầu năm 2024, Tiền Giang thu hút được 8 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.855 tỷ đồng; có 8 dự án đăng ký tăng vốn 1.292 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút 7 tháng đầu năm 2024 đạt 8.147 tỷ đồng, tăng 4,15 lần so với cùng kỳ 2023.

Bến du thuyền - TP. Mỹ Tho
Bến du thuyền - TP. Mỹ Tho.

Nguồn lực mới, quan trọng và hiệu quả

Để hoàn thành các chỉ tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư, phát triển công nghiệp, Tiền Giang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giảm tối đa các chi phí trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh đã phê duyệt trong đó có định hướng phát triển vùng phía Đông.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh, tháo gỡ khó khăn về đất đai, mặt bằng đối với 2 khu vực còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển công nghiệp là vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và khu vực phía Đông của tỉnh (ven sông Soài Rạp); thực hiện tốt rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển công nghiệp.

Tiền Giang nhận quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ
Tiền Giang nhận quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2024. (Nguồn: QĐND)

Ngoài ra, địa phương sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục rà soát, xác định cụ thể danh mục, mục tiêu mời gọi đầu tư để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Tập trung tổ chức triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp vào khu công nghiệp Bình Đông, Tân Phước 1 và đẩy nhanh thực hiện các thủ tục để chuyển khu công nghiệp dịch vụ dầu khí soài rạp về tỉnh quản lý. Tiền Giang cũng sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư gắn với thương mại dịch vụ tại trung tâm 3 vùng ở thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thành phố Gò Công.

Với chủ đề năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”, Tiền Giang sẽ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nguồn lực mới, quan trọng và hiệu quả mà Tiền Giang hướng tới chính là kiều bào.

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn đánh giá cao tiềm năng của kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về quê hương đầu tư, góp phần phát huy tiềm năng của tỉnh. Tiền Giang xác định, nguồn lực trí thức và kinh nghiệm thực tiễn được tiếp thu tại các nước phát triển, cùng với nguồn kiều hối mà kiều bào chuyển về nước là những “tài sản” rất lớn góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Do đó, trong tương lai, Tiền Giang mong muốn chào đón kiều bào về nước đầu tư, lắng nghe, tiếp thu các đề xuất, hiến kế, góp phần xây dựng, phát triển địa phương. Tiền Giang kỳ vọng, nguồn lực từ kiều bào sẽ tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới, thắng lợi mới cho sự phát triển của tỉnh./.