📞

“Tiền gửi bằng con bò, ra giá trị bằng con gà"

09:11 | 29/05/2008
Lạm phát - hai từ được nhắc đến nhiều nhất không chỉ trong các cuộc họp Chính phủ và là câu chuyện thường nhật của mỗi người dân. Dưới góc độ khoa học kinh tế.

PGS. TS Nguyễn Văn Nam, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thương mại (Bộ Công Thương), thành viên Ban nghiên cứu chính sách kinh tế tư vấn Thủ tướng đã phân tích, mổ xẻ hiện tượng này và tư vấn cách giữ tiền hiệu quả nhất trong bối cảnh lạm phát hiện nay.

Yếu kém thì nên để cho chết hẳn!

Chúng ta đã từng chứng kiến sự gia tăng lạm phát vào những năm 80, vậy cá nhân ông đánh giá tình hình lạm phát hiện nay ở mức độ nào?

Từ năm 1980 đến 1989  lạm phát đã từng lên đến 3 con số, thậm chí ngấp nghé 4 con số. Như vậy, lạm phát hiện nay chưa đến mức độ đáng lo ngại nhưng cần có sự nhìn nhận lại cách điều hành nến kinh tế vi mô. Lạm phát không phải là "bệnh" của dân mà là "bệnh" của Chính phủ.

Lạm phát là hình thức rút tiền trong túi của dân một cách nhẹ nhàng, tức là nếu năm ngoái trong túi anh có mười đồng thì sang năm nay, số tiền đó chỉ đáng giá 8 đồng. Lạm phát phản ánh chỉ số giá tiêu dùng, như vậy sự ảnh hưởng rõ rệt nhất là cuộc sống ngày càng khó khăn, nhất là những người có thu nhập bằng đồng lương chính đáng.

Trong thời kỳ lạm phát, gửi tiền giá trị bằng con bò, khi lấy ra giá trị đó chỉ bằng con gà. (Ảnh minh họa)

Bức tranh kinh tế đất nước từ nay đến cuối năm theo cách hình dung của ông sẽ như thế nào? 

Để có thay đổi sự điều hành quản lý cần có thời gian. Tôi nghĩ, nếu giỏi thì hết năm nay sẽ qua cơn khó khăn, nhưng chúng  ta phải dám chịu đau, đừng có mơ tưởng đến tăng trưởng trong điều kiện lạm phát cao.

Quan điểm của tôi, khi đã tham gia nền kinh tế thị trường, những bộ phận nào yếu kém nên để cho chết hẳn, đừng có vớt vát cứu vãn. Sở dĩ, nếu tất cả các bộ phận đều khoẻ mạnh thì mới có một cơ thể khoẻ mạnh. Điểm yếu của cách quản lý hiện nay là không dám mạnh dạn cắt bỏ những gì đang yếu kém. 

Điều mà chúng ta cần làm ngay là phải có sự kiên quyết, thực hiện quyết liệt, thống nhất các giải pháp. Đã nói là ưu tiên cho kiếm chế lạm phát thì tất cả các các chính sách kinh tế phải tập trung vào việc này.

Muốn xử lý lạm phát  trong thời gian ngắn hạn thì phải tập trung vào xử lý tài chính, thắt chặt tiền tệ nhằm nâng lãi suất hút tiền về; xem xét toàn bộ các khoản đầu tư, những dự án chưa cấp thiết thì nên dừng lại. Tiết kiệm chi tiêu công Ngân sách. Nói tóm lại, tất cả những nguồn cung cấp tiền ra cần phải được xem xét.

Và một điều cần phải khẳng định: người dân không tự mình chống được lạm phát mà phải học cách sống chung với nó. Còn chống lạm phát là trách nhiệm của Chính phủ.

Tiền đang đổ vào vòng luẩn quẩn

Có những ý kiến cho rằng, hiện nay kinh tế của chúng ta đang phát triển bong bóng bởi hầu hết những ngành thu hút tiền tệ như ngân hàng, chứng khoán lại không phải là ngành tạo ra của cải vật chất thực sự cho xã hội. Ông nhận định gì về sự phát triển này?  

Đó chính là sự sai lầm. Luồng tiền tệ của nước ngoài tập trung vào Việt Nam rất nhiều, mà đã là làm kinh tế thì tiền không thể "nằm im", nó cần lưu thông: Nếu sử dụng đúng là chúng ta cần có chính sách để nguồn tiền này hấp thụ, đổ vào đầu tư vào sản xuất hàng hóa như hành lang pháp lý, chính sách. Thực tế, tiền đã được đổ vào những ngành như chứng khoán, bất động sản..., những ngành mang tính chất phân phối của cải, điều chỉnh cơ cấu tiền.

Quá trình tiền nhiều hơn hàng hàng nó đẩy các mặt hàng lên như vậy người ta gọi là bong bóng. Cần hiểu rõ, chức năng ngân hàng là trung gian tài chính để tạo vốn cho sản xuất, nhưng chức năng này đã không được thực hiện mà vốn đó lại bị quay vòng cho vòng quay tiền tệ ảo và không làm tăng giá trị mới.

Hãy nhìn xem hiện nay, chúng ta có những mặt hàng có giá trị thực sự. Mấy chục năm nay vẫn là gạo, cà phê, cao su là những mặt hàng không có giá trị cao. Còn những mặt hàng như dệt may, da giầy, đóng tàu thì lại hoàn toàn là gia công, lắp ráp chúng ta chỉ tham gia sản xuất thực khoảng 10% ở những mặt hàng này.

Chẳng thế mà kết quả thanh tra vừa qua tại một doanh nghiệp đóng tàu với hàng nghìn công nhân tạo sản phẩm hàng trăm triệu đô la nhưng cuối cùng nộp ngân sách chỉ bằng mặt doanh nghiệp tư nhân rất nhỏ bé. 

Vậy nên nhìn nhận một cách thực chất nhất kinh tế của chúng ta là gì. Điều gì tạo ra của cải vật chất thực của nền kinh tế, thưa ông?

Thực chất, cơ hội phát triển là có nhưng chúng ta không tạo điều kiện cho nó phát triển. Nền kinh tế hàng hóa được phân ra hai tầng: một tầng vận động của tiền tệ và một tầng vận động hàng hóa. Theo chuyên môn, một đồng tiền "đẹp"  là đồng tiền tác động vào tăng hàng hóa đa tầng này phát triển.

Trong khi đó chúng ta lại không rót tiền vào dòng chảy hàng hóa mà để tiền vận động trong tầng tiền tệ, đẩy dòng tiền trên tách rời với nền sản xuất. Vô hình chung, chúng ta đang phá vỡ mối liên kết tiền - hàng. Tất yếu là lạm phát sẽ nảy sinh.

Nên giữ kim loại quý hoặc hàng hoá

Còn với tình hình chứng khoán hiện nay, ông có cho rằng sẽ có sự đổ vỡ của hệ thống này?

Theo tôi, chúng ta đang bi kịch hóa bức tranh chứng khoán. Bình tĩnh nhìn nhận thì bức tranh này đang phản ánh rất đúng thực chất nền kinh tế nước ta. Nền kinh tế kém, chắc chứng khoán sẽ đi xuống. Điều vô lý là chúng ta cứ hô hào Chính phủ phải có giải pháp cứu vãn nhưng tôi cho rằng, Chính phủ càng can thiệp thì nó càng kém.

Thị trường chứng khoán đòi hỏi rất độc lập, chỉ mối quan hệ giữa các nhà đầu tư. Vai trò của Chính phủ là loại bỏ những gian dối trong thị trường này. Vô lý không khi nhân viên chứng khoán chính lại là nhà đầu tư.

Còn những người đầu tư chụp giật, không có kiến thức thì “chết” cũng là điều tất yếu.

Theo ông, trong mớ hỗn độn thị trường tiền tệ, cách xử lý bình tĩnh, khôn ngoan nhất với đồng tiền là gì?

Theo tôi, khôn ngoan nhất là đưa đồng tiền vào phục vụ cho sản xuất, cho những ngành tạo ra của cải vật chất. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cá nhân tôi cũng như nguyên tắc xử lý tiền tệ khi có lạm phát, thông thường người ta không tích trữ tiền giấy mà chuyển sang tiền thật, tức kim loại quý hoặc chuyển sang hàng hóa.

Hiện tại, hiểu biết về hàng hóa của chúng ta chưa cao, nên họ vẫn cứ đổ xô vào gửi ngân hàng nhưng họ không biết họ đang hưởng lãi âm.

Tôi lấy ví dụ rất đơn giản, nếu trong thời kỳ lạm phát, gửi tiền giá trị bằng con bò, khi lấy ra giá trị đó chỉ bằng con gà. Các doanh nghiệp nên tăng cường mua nguyên liệu, tất nhiên đây chỉ là giải pháp trong thời gian ngắn hạn.

Vậy hiện tại, ông đang giữ tiền bằng hình thức nào?

(Cư­ời). Tôi thì chẳng có nhiều tiền mà phải lo giữ, tùy từng trường hợp cụ thể nhưng xu hướng giữ vàng là phổ biến hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Khoa Học và Đời Sống