Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Trước búa rìu dư luận đổ dồn về phía Tiến sĩ Đoàn Hương, suy nghĩ của nhà văn về câu chuyện này?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi cũng là người chơi Facebook. Sau khi đọc bài tường thuật lại lời phát biểu của Tiến sĩ Đoàn Hương thật chậm và thấu đáo (đành rằng con số 50% chưa có căn cứ khoa học) thì thấy vấn đề mà Tiến sĩ Đoàn Hương đưa ra đã làm tôi suy nghĩ.
Không có điều gì để tôi, một người đã chơi Facebook từ khi Facebook mới xuất hiện, cảm thấy xúc phạm cả. Tiến sĩ Đoàn Hương đã chỉ ra một vấn đề đáng để ta quan tâm. Bởi khi nhìn nhận một vấn đề, với thực tế ở nước ta hiện nay, tham gia vào Facebook như một hiện tượng có hai mặt. Bên cạnh mặt tích cực của Facebook mang lại, còn một mặt trái thiếu tích cực, của một bộ phận không nhỏ những người tham gia vào mạng Facebook. Đấy là vấn đề Đoàn Hương đã chạm tới.
Vậy theo ông, Tiến sĩ Đoàn Hương đã chỉ ra thế nào? Ông có thể nói rõ?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Trước hết nên hiểu Facebook là một phương tiện. Nó mở ra một thế giới ảo cho tất cả mọi người ở hành tinh này đều được tham gia. Những ai biết về máy tính, nối mạng, đều có thể mở một địa chỉ Facebook. Tại đó không phân biệt màu da, sắc tộc, không biên giới. Facebook trở thành một phương tiện vô cùng hữu hiệu, tiện ích để tự do giao lưu, trao đổi, kết bạn, truyền bá những tư tưởng, quan niệm cá nhân của mình. Nó cũng trở thành một thế giới mà ở đó người ta có thể chia sẻ tình cảm, suy nghĩ rất cá nhân của bản thân họ hay một vấn đề của xã hội. Như thế, so với thế giới cũ, một thế giới phụ thuộc vào vật chất hữu hình như báo chí, điện thoại, thư tín, thì Facebook thuận lợi hơn nhiều.
Nhưng ở một mặt khác, nếu coi nó như một phương tiện thì sự hữu dụng, có ích, tích cực của nó, lại ở tùy từng người và tùy từng cách sử dụng. Quan sát cụ thể việc sử dụng Facebook ở ta, tôi thấy rất đa dạng. Một số người coi nó như một tờ báo, phương tiện, để gửi gắm vào đó quan điểm cá nhân, tri thức, kiến thức về nhiều ngành, từ chính trị tới văn học, kĩ thuật, khoa học...
Những người này không nhiều. Họ là những người hoạt động xã hội, các nhà văn, báo chí, khoa học. Những hoạt động của họ trên Facebook có ích và nó gắn liền với nghề nghiệp của họ. Cụ thể như tôi. Là một nhà văn, tôi dùng Facebook như một phương tiện truyền đạt quan niệm của cá nhân tôi về văn học - những tác phẩm hay của bè bạn và của tôi. Do vậy, hoạt động này, không thể gọi là “vô công rồi nghề”. Và, sự hoạt động nói trên ít nhiều cung cấp một lượng thông tin cho những người chơi Facebook. Cũng coi như 1 tờ báo, có khá nhiều người dùng Facebook như một phương tiện để quảng cáo, buôn bán hàng hóa. Đủ thứ trên đời này đều đã được đưa lên Facebook rao bán.
Không ít người lại dùng Facebook như một thứ để chia sẻ. Tôi cho rằng, đây cũng là nhu cầu không xấu, dù là có những câu chuyện đưa ra chốn đông người nên “nói với một cây trúc ở vườn như câu chuyện ngụ ngôn về sự giữ bí mật" khi những câu chuyện ấy rất riêng tư.
Nhìn vào cả các dạng hoạt động trên Facebook, thấy thông tin đủ thứ, vàng và cám. Có thứ đúng là tri thức mang tính nhân loại, có thứ "ngụy tri thức", thậm chí có thứ dối trá bịa đặt. Nhưng điều ấy không đáng ngại vì đại bộ phận người đọc khá tỉnh táo, trước sau với thời gian, họ nhận ra đâu là vàng ròng đâu là vàng mã. Cái đáng nói nhất là liều lượng truy cập Facebook của mỗi người ra sao? Nếu quan niệm thời gian là vàng bạc mà luôn luôn có mặt trên Facebook, tiêu tốn ở đó nhiều thời gian thì đấy chính là mặt trái mà Đoàn Hương muốn nói tới. Tôi thấy đấy là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Nó trở thành thứ gần như ma túy mà người ta rất khó bỏ.
Ảnh minh họa |
Nhiều người quan niệm “Facebook tựa như cái sân chơi”. Nhà văn có suy nghĩ gì về quan niệm này?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Nói sân chơi tức là phải huy động thời gian vào Facebook. Như vậy không ngoài việc Đoàn Hương phê phán, nếu như bạn dùng thời gian vào Facebook quá nhiều. Nhất là những người thiếu bản lĩnh để không chế ngự được bản thân, cuốn vào Facebook bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu. Dù người đó lẽ ra phải tập trung vào công việc chuyên môn của mình.
Mặt khác, một số người đã lợi dụng tính khó kiểm soát của Facebook, khi coi nó là sân chơi, thì tự cho mình cái quyền tối thượng nhân danh hai từ tự do, tha hồ viết thiếu kiểm soát. Không thiếu những hiện tượng bôi nhọ cá nhân.
Nhân việc này tôi nói thêm, Đoàn Hương nói rất có lý khi không ít người dùng Facebook như một sân chơi chỉ để xả stress. Tôi quan sát số người này lên Facebook thường xuyên, bất kì ở đâu, tiêu tốn thời gian rất vô ích.
Theo ông bản chất của Facebook là gì?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi nhắc lại, bản chất Facebook là phương tiện mở trong thế giới phẳng mở. Nhưng bất kì phương tiện nào cũng thế, nó chỉ hữu ích cho con người biết sử dụng nó. Ích lợi bao nhiêu còn tùy ở trình độ, trí thức và cả mục đích. Nếu mục đích xấu thì Facebook trở thành phương tiện không có ích cho xã hội. Thứ hai nữa là phải biết tiết chế thời gian sử dụng nó nữa. Như ta sử dụng ti vi vậy, nếu con cái ta suốt ngày bật ti vi, xao nhãng việc học hành, bảo lau nhà cũng không làm, thì sao mà nên người được. Thứ ba nữa, do tính chất ảo, mở của nó, nếu dưới một cái tên ảo không tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình thì Facebook không phải là nơi giữ gìn văn hóa nữa.
Cho nên tôi nghĩ, Tiến sĩ Đoàn Hương nói như thế không có điều gì xúc phạm tới ai cả. Những ai dùng Facebook đúng với lương tri và có tầng nấc văn hóa thì rất tốt. Những ai dùng chỉ để xả Stress cũng không sao, miễn là đừng để quỹ thời gian vô cùng quý giá cần cho cuộc sống thật lại trôi tuột vào sự sống ảo. Chính chị, Tiến sĩ Đoàn Hương đã chỉ ra một mặt rất đáng quan tâm ở thế giới ảo hiện nay. Nó nhắc nhở không riêng ai phải sử dụng Facebook ra sao cho có ích trong quỹ thời gian vô cùng quý giá và eo hẹp của từng người. Nó cũng cảnh báo cho từng người về mục đích sử dụng một phương tiện sao cho hữu ích.
Trân trọng cảm ơn ông!